Sống trước miệng “hà bá”!
Xã hội - Ngày đăng : 06:07, 06/08/2014
Những ngày qua, sau mỗi trận mưa, gần 100 hộ dân xóm Bãi, thôn Tây Sơn (Phương Trung) và thôn Đoàn Kết (Kim Thư) lại nơm nớp lo sợ bởi những vạt đất thổ cư, cây cối trong vườn ùm ùm đổ xuống sông. Các điểm sạt lở hình trăng khuyết nối tiếp nhau kéo dài hàng trăm mét, có nhiều chỗ khoét sâu vào sát nhà dân. Theo người dân nơi đây, tốc độ sạt lở ở khu vực này nhanh đến nỗi, có gia đình sau một đêm ngủ dậy khu công trình phụ, tường bao và bếp đã bị nước cuốn trôi, nhà cửa nứt toác, nước vỗ bì bõm sát hiên nhà. Ông Lê Văn Thành cho biết, vài năm trước, sân, vườn nhà ông chỉ xuất hiện vài hố mối, gia đình đã mua đất, đá về xử lý tạm thời. Nhưng từ mùa mưa 2013 đến nay, các hố mối xuất hiện dày đặc, mỗi khi nước sông dâng cao cuốn trôi cả khoảnh vườn, tạo thành những hàm ếch khiến ngôi nhà ngói của gia đình ông bị nứt toác, nghiêng hẳn ra mép sông. Gia đình ông phải sơ tán đi nơi khác để ở. Ngay cạnh đó nhà của anh Lê Văn Dũng và gần 10 hộ dân khác cũng bị sạt lở nghiêm trọng, tường bị nứt, nền nhà bị lún sụt. Do kinh tế khó khăn, các hộ dân này vẫn phải sống tạm…
Sạt lở nghiêm trọng tại bờ tả Đáy - thôn Tây Sơn, xã Phương Trung (Thanh Oai). |
Ngay sát xã Kim Thư, gần 100 hộ dân xóm Bãi, thôn Tây Sơn, xã Phương Trung cũng đang phải sống trong sự lo lắng bởi không biết nhà cửa bị "hà bá" kéo xuống sông lúc nào. Ông Lưu Văn Chiến, trưởng thôn Tây Sơn cho biết: Khu vực này có nền đất yếu, mấy năm gần đây, mùa mưa lại bị nước sông Đáy từ thượng nguồn đổ về thúc thẳng vào nên gây ra xói lở cục bộ. Để hạn chế sự xâm lấn của dòng nước, các hộ dân trong thôn đã trồng tre dọc bờ sông, mua đất, đá hộc về gia cố những điểm sạt lở nhưng sau mỗi trận mưa, nước sông lại cuốn trôi tất cả. Ông Lê Văn Thắng ở thôn Tây Sơn cho biết, trận mưa cuối tháng 4 vừa qua, dòng nước đã quật đổ cả những khóm tre chắn sóng, cây cối trong vườn cũng bị trôi tụt xuống mép sông. "Người dân địa phương đã phải treo biển, căng dây thừng cảnh báo nguy hiểm nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu về dài thành phố cần cho xử lý khu vực này để chúng tôi yên tâm sinh sống, làm ăn" - ông Thắng kiến nghị.
Theo ông Cao Ngọc Đĩnh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Thanh Oai - Chương Mỹ, đoạn sông Đáy chảy qua địa phận 2 xã Kim Thư và Phương Trung dài khoảng 3km, trong đó có hơn 800m từ kè Đôn Thư đến cầu Văn Phương hiện nay rất yếu, thường xuyên bị sạt lở. Khu vực này thềm bờ sông cao, mái đê đứng, có độ chênh lệch rất lớn, một số đoạn đã bị sạt trượt lấn sâu vào khu dân cư, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều và đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Thời gian vừa qua đã có nhiều đoàn của thành phố và huyện về kiểm tra, đo đạc, đánh giá hiện trạng và cho rằng mức độ sạt lở là nghiêm trọng.
Để hạn chế thiệt hại, UBND xã Phương Trung và Kim Thư đã thành lập các tổ tuần tra canh gác đê, thường xuyên ứng trực 24/24h ở khu vực xung yếu và cắm biển cảnh báo điểm sạt lở để nhân dân chủ động phòng tránh. Hiện đang là cao điểm mùa mưa bão, gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và hàng nghìn hộ dân khác sinh sống ngoài đê tả Đáy của 2 xã Phương Trung và Kim Thư mong thành phố khẩn cấp cho kè đá, hộ chân để bảo vệ đất đai, nhà cửa và an toàn tính mạng cho nhân dân.
Ngày 22-7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt đã có Công văn số 5411, giao Sở NN&PTNT phối hợp với các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Thanh Oai tổ chức kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, mức độ sạt lở bờ tả sông Đáy tại thôn Đôn Thư (Đoàn Kết), xã Kim Thư và thôn Tây Sơn, xã Phương Trung để có phương án, hình thức xử lý nhằm bảo đảm an toàn đê điều và PCLB... UBND TP cũng giao cho các sở, ngành liên quan đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện trong trường hợp phải xử lý cấp bách... Song đến giờ, công việc chưa thấy tiến triển gì. |