Doanh nghiệp vận tải biển loay hoay trong vòng luẩn quẩn

Kinh tế - Ngày đăng : 05:39, 06/08/2014

(HNM) - Chi phí lãi vay cao, nguồn hàng khan hiếm, cước phí giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay… là những khó khăn mà các doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội nghị đối thoại DN cảng biển, vận tải biển (VTB) năm 2014 do Bộ GTVT tổ chức tại Hà Nội ngày 5-8.



Nhiều DN cho biết đang loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn: không có vốn đầu tư - lãi suất cao - thua lỗ - không vay được vốn… Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo: Quản lý nhà nước không thể "vô cảm" với khó khăn của DN.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển đang gặp khó khăn do giá cước vận tải thấp trong khi các chi phí liên tục tăng cao. Ảnh: Đại Dương


Nhiều chủ tàu đứng trước nguy cơ phá sản

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu biển Việt Nam hiện nay có khoảng 1.700 tàu, nhưng chỉ có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế, đa phần trong số đó chỉ hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Một số DN lớn cũng đã có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực khai thác trên các tuyến đến Châu Mỹ, Châu Âu nhưng số lượng còn hạn chế. Mặc dù đội tàu VTB Việt Nam tăng mạnh về trọng tải nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế như: dư thừa trọng tải đối với tàu trọng tải nhỏ chở hàng khô, rời, trong khi thiếu các tàu chuyên dùng và tàu trọng tải lớn; tuổi tàu bình quân cao… Các DN vận tải vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phải phá sản.

Nhiều DN cho biết đang rất khó khăn về nguồn vốn và chi phí lãi vay cao. Không ít DN đang loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn: Không có vốn đầu tư - lãi suất cao - thua lỗ - không vay được vốn… Ông Đỗ Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cho biết: Hầu hết chủ tàu đều khai thác tàu dưới giá thành và chấp nhận lỗ. Thị trường cước phí hàng hải đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và hiện vẫn chưa thoát đáy. Nhiều chủ tàu đang đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Đỗ Xuân Quỳnh kiến nghị, khó khăn lớn nhất mà chủ tàu đang phải đối mặt hiện nay là tình trạng thiếu vốn lưu động để duy trì kinh doanh, khai thác tàu. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ vốn cho các chủ tàu nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngoài vốn và lãi vay thì quy định về nhập khẩu tàu biển cũng gây nhiều khó khăn cho DN. Cũng vì thiếu vốn nên DN chỉ dám đầu tư các tàu cũ có tuổi đời trên 15 năm. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, để tránh biến Việt Nam thành "bãi rác tàu biển" của thế giới, tàu trên 15 năm tuổi bị cấm nhập vào Việt Nam. DN đề nghị nới lỏng quy định nhập khẩu tàu và chỉ kiểm tra kỹ thuật đối với các tàu được nhập để bảo đảm hoạt động.

Không phải là buổi ôn lại văn bản quy phạm pháp luật!

Cho rằng quy định hiện nay đang có nhiều bất cập, ông Vũ Đức Then - Phó Chủ tịch Hội Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét lại quy định đánh giá, cấp giấy chứng nhận khả năng đi biển. Chủ tàu khẳng định tàu hoạt động an toàn trong vùng biển Việt Nam nhưng theo giấy chứng nhận được cấp, tàu chỉ phù hợp trong vùng đi biển hạn chế III nên khi chạy cách bờ quá 20 hải lý sẽ không được bảo hiểm. Ông Vũ Đức Then cho rằng quy định này đã có trên 20 năm, không còn phù hợp và cần được sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu.

Liên quan đến kiến nghị này, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam trả lời: Khả năng của tàu đến đâu thì được cấp phép đến đó bởi còn liên quan đến độ an toàn, khả năng ứng phó với thời tiết, bão gió. Trước phần trả lời của lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: Đây không phải là buổi ôn lại văn bản quy phạm pháp luật mà là hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN. Cục Đăng kiểm khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Một vấn đề khác cũng được nhiều DN kiến nghị là cần sớm áp giá sàn vào dịch vụ VTB. Ông Ngô Minh Thuấn - Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bình ổn thị trường; đồng thời đòi hỏi các cảng đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ mà không phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như rất nhiều năm nay. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam sớm ban hành giá sàn cho cụm cảng Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh nhằm lành mạnh hóa giá dịch vụ tại khu vực.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng:
Quản lý nhà nước không thể vô cảm với doanh nghiệp

Cơ quan quản lý nhà nước không thể "vô cảm" với khó khăn của DN và người dân. Các cơ quan quản lý nhà nước khi thấy các vấn đề bất cập, tồn tại thì phải kiến nghị sửa đổi, hơn nữa, còn phải khuyến khích DN có sáng kiến giải quyết bất cập. Việt Nam là quốc gia biển, phải giàu lên từ biển. Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển cảng biển, đội tàu cho phù hợp với tình hình thực tiễn; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn thị trường hiện nay…



Liên quan đến kiến nghị nới lỏng quy định nhập khẩu tàu, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định khó có thể nới. Mặc dù trên thực tế một số tàu 15 năm tuổi sản xuất tại các quốc gia như Đức, Nhật Bản… vẫn hoạt động tốt nhưng không phải là tất cả. Nếu nới lỏng, nhiều tàu "già" của các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc… sẽ tràn vào Việt Nam khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được chất lượng.

Tuấn Lương