Phải tuân thủ pháp luật

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:29, 06/08/2014

(HNM) - Một tin xôn xao Hà Nội, một trẻ mồ côi bị mang bán lấy 35 triệu đồng ở chùa Bồ Đề (quận Long Biên) vừa bị phát giác. Công an thành phố vừa bắt khẩn cấp hai nghi phạm, trong đó Nguyễn Thị Thanh Trang là người được giao trông nom trẻ mồ côi.



Một đồn năm, năm đồn mười, trên các báo mấy ngày hôm nay dày đặc các câu hỏi: Đã có bao nhiêu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề? Số phận các em ra sao? Có bao nhiêu em đã bị bán đi từ đây?... Những câu hỏi ấy, hãy để sau khi kết thúc điều tra, các cơ quan pháp luật sẽ trả lời. Trong bài viết này chỉ bàn đến một chuyện, đó là chúng ta rút ra được bài học gì sau vụ việc?

Chùa Bồ Đề (quận Long Biên) được nhiều người biết đến vì được dựng ở chính địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Nhưng hơn thế, tuy là ngôi chùa ven đê, không giàu nhưng từ nhiều năm nay đã nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy chữ cho hàng chục trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ, nhiều em trong đó mới sơ sinh, nhiều em bệnh tật, đau yếu. Với tình thương yêu, nhân ái, "thương người như thể thương thân" của dân tộc và của chính Phật pháp, các sư trụ trì đã không quản túng thiếu, vất vả, phiền phức để làm việc thiện tâm đến mức nói đến chùa Bồ Đề là người ta nghĩ đến tấm gương sáng của lòng bao dung.

Nhưng rồi chuyện đã xảy ra như bạn đọc đã biết. Phía sau bao tai tiếng chùa phải gánh chịu, còn những câu hỏi một phần chúng tôi vừa trích ra ở trên và nhiều câu hỏi đau xót hơn nữa được đặt ra, không thể vì tiếng tốt bấy nay mà gạt đi được. Đây là pháp luật, mà pháp luật là vô tư, không thiên vị. Thì ra, cảm phục vì nghĩa cử cao đẹp của những con người ở chùa Bồ Đề, nhiều người trong chúng ta (trong đó có cả đại diện chính quyền, công an) quên đi những nghĩa vụ mà bất cứ một công dân nào, dù tốt đến đâu, cũng phải thực hiện với tinh thần thượng tôn pháp luật là: Công ra công, tội ra tội, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng… như chúng ta thường nói nhưng có lúc không làm.

Thử hỏi trong chúng ta đã có lần nào đến nơi ở mới mà không đăng ký tạm trú, ra phố mà không mang theo giấy tờ, mua hàng mà không quan tâm đến xuất xứ hàng hóa? Đã có lần nào người bảo vệ, người trả nhuận bút vì nể mà không hỏi kỹ giấy tờ không? Vậy việc lơi lỏng về sổ sách, thủ tục trong khi nuôi nhận, thuyên chuyển trẻ nuôi ở chùa Bồ Đề cần được hiểu như thế nào đây?

Lòng tốt là quý nhưng lòng tốt phải đi liền với tuân thủ pháp luật và đặc biệt không thể để bất kỳ ai lợi dụng lòng tốt để vi phạm pháp luật.

Vũ Duy Thông