Chủ đầu tư Dự án XLCT công nghiệp tại Nam Sơn thừa nhận sai sót
Đời sống - Ngày đăng : 17:01, 05/08/2014
Theo ông Nguyễn Xuân Huynh, dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và san nền vào ngày 10-9-2013. Ngày 2-7-2013, tiếp nhận chuyến đầu tiên về thiết bị; chuyến thứ sáu vào ngày 14-2-2014 và vận chuyển an toàn 95% thiết bị của dự án đến công trình. Tuy nhiên, do sai sót của chủ đầu tư nên đến nay việc mua sắm thiết bị phục vụ thi công dự án đã bị chậm khoảng 3 tháng.
Ông Nguyễn Xuân Huynh lý giải, theo kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt thì hình thức hợp đồng là trọn gói, nhưng tư vấn thấy việc xác định khối lượng công việc xây dựng nhà máy chưa đầy đủ, không phù hợp với hình thức hợp đồng trọn gói nên đưa ra hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, theo quy định thì chủ đầu tư phải báo cáo UBND thành phố để xin phê duyệt điều chỉnh hình thức hợp đồng trong kế hoạch đấu thầu.
Vì sai sót của chủ đầu tư nên đã làm chậm tiến độ của dự án |
Về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc để ra sai sót, ông Nguyễn Xuân Huynh cho biết, hiện UBND thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thanh tra sai sót của chủ đầu tư; sau khi có kết luận thanh tra quy rõ mức độ chịu trách nhiệm của chủ đầu tư.
Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tại dự án đã được tháo gỡ vướng mắc, chủ đầu tư và nhà thầu cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án đúng biên bản ghi nhớ (MOU) và tài liệu thực hiện (ID) đã điều chỉnh (tức là đến giữa tháng 6-2016 sẽ hoàn thành dự án).
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn do tổ chức NEDO của Nhật Bản tài trợ. Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội được giao là chủ đầu tư dự án. Đây là dự án đầu tiên về nhà máy xử lý rác thải công nghiệp phát điện tại Hà Nội. Phía Nhật Bản cung cấp phần thiết bị chính của nhà máy, phía Việt Nam thực hiện toàn bộ phần xây lắp của nhà máy. Tổng mức đầu tư của dự án (khái toán) hơn 612,2 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư, gồm: tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới – Nhật Bản (NEDO) tài trợ hệ thống thiết bị chính của nhà máy có trị giá 1,77 tỷ Yên Nhật (tương đương hơn 472,1 tỷ đồng; ngân sách thành phố cấp vốn đối ứng 140 tỷ đồng. Đây là dự án xử lý rác thải công nghiệp hiện đại chưa có tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á... Sau khi dự án hoàn thành sẽ là mô hình mẫu để nhân rộng ở Việt Nam và khu vực.