Phải xử lý chủ đầu tư cố tình trì hoãn xây dựng

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 05/08/2014

(HNM) - Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư khu nhà ở, khu đô thị (KĐT), các chủ đầu tư đều thiết kế trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, số dự án được đầu tư và đưa vào vận hành hạng mục này trên thực tế đếm trên đầu ngón tay.

Trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án khu chung cư, KĐT mới, tùy theo quy mô dự án, các cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND thành phố có quyết định đặt trạm xử lý nước thải riêng hay thu gom đưa về trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố. Trên thực tế, các dự án nhà chung cư cao tầng độc lập, khi phê duyệt quy hoạch và dự án về cơ bản chưa có trạm xử lý nước thải riêng. Nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống bể tự hoại của các công trình thường chảy ra hệ thống thoát nước chung của thành phố. Còn với các dự án KĐT, khi phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án, nhất là sau khi Luật Môi trường có hiệu lực (từ ngày 1-7-2006), hầu hết dự án đều có trạm xử lý nước thải riêng.

Những năm gần đây, ngành môi trường khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đều yêu cầu các chủ dự án phải đưa hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải vào dự án mới được phê duyệt, tránh tình trạng phải xây dựng hệ thống thu gom tập trung tốn kém kinh phí đầu tư mà hiệu quả đầu tư lại thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, số KĐT có trạm xử lý nước thải đưa vào vận hành đếm trên đầu ngón tay. KĐT Mỹ Đình II hiện đang vận hành trạm xử lý nước thải công suất 1.300m3/ngày - đêm do chủ đầu tư Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) xây dựng, quản lý. KĐT Bắc An Khánh (Hoài Đức) có thiết kế trạm xử lý nước thải công suất 18.400m3/ngày - đêm, hiện đã xong phần xây dựng và lắp đặt thiết bị giai đoạn 1 công suất 9.200m3/ngày - đêm. Hai khu chức năng đô thị cao cấp Royal City và Times City cũng đã đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải công suất 4.500m3 và 2.700m3/ngày - đêm. Trong khi đó, KĐT Văn Khê (Hà Đông) mới xây dựng phần thô, chưa lắp đặt thiết bị.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, nhiều KĐT mới đã cơ bản hoàn thành xây dựng, có nhiều người chuyển đến sinh sống; trong quy hoạch có trạm xử lý nước thải nhưng chưa được xây dựng, trong đó có dự án lớn, như Ciputra, Yên Hòa... KĐT Việt Hưng (Long Biên) một KĐT lớn, đã hình thành các tổ dân phố mới đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu xây dựng trạm xử lý nước thải. Nguyên do của việc nhiều KĐT thiếu trạm xử lý nước thải tập trung là việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành trạm xử lý nước thải rất tốn kém, nên các chủ đầu tư trì hoãn việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh và có tâm lý chung là chờ có đông dân cư về sinh sống chủ đầu tư mới xây dựng trạm theo quy hoạch. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước thiếu kiên quyết trong đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng đồng bộ trạm xử lý nước thải theo quy hoạch.

Ngoài ra, nhiều KĐT được lập dự án trước khi Luật Môi trường có hiệu lực nên quy hoạch không có trạm xử lý nước thải riêng. Những KĐT này (Mỹ Đình I, Trung Hòa - Nhân Chính, Làng quốc tế Thăng Long, Linh Đàm, Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Văn Quán...) nước thải sau khi xử lý qua hệ thống bể tự hoại của các công trình sẽ được chảy ra hệ thống thoát nước riêng của dự án để đưa vào hệ thống xử lý tập trung của thành phố hoặc chảy vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Tuy nhiên, thành phố cũng đang thiếu các trạm xử lý nước thải tập trung và hiện khoảng 80% lượng nước thải xả trực tiếp xuống kênh, mương, sông thoát nước. Theo quy hoạch đến năm 2030, thành phố đầu tư xây dựng 39 trạm xử lý nước thải để xử lý nước thải cho KĐT trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Nhưng, hiện mới có 6 trạm, công suất thiết kế 264.300m3/ngày - đêm đang vận hành; 5 trạm đang chuẩn bị đầu tư, xây dựng với công suất 396.300 m3/ngày - đêm. Vì vậy, theo Sở Xây dựng, vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hạng mục trạm xử lý nước thải theo quy hoạch được duyệt; đồng thời, rà soát và bổ sung quy hoạch các trạm xử lý nước thải với các KĐT chưa có, trước mắt là những khu đã tập trung đông dân cư.

Đặc biệt, phải có chế tài xử lý chủ đầu tư cố trình trì hoãn không xây dựng hạng mục này. Có vẻ như lâu nay đang thiếu chế tài xử lý nên mới nảy sinh việc chủ đầu tư mải làm nhà để kinh doanh mà quên công trình hạ tầng kỹ thuật.

Khánh Khoa