"Làm luật" ở chốn công quyền

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:31, 05/08/2014

(HNM) - Mấy ngày qua, thông tin về việc một số cán bộ kiểm lâm Thanh Hóa bị công an bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 100 triệu đồng gây xôn xao dư luận. Câu chuyện này có lẽ cũng sẽ là một "chuyện thường ngày ở huyện" bởi nạn hối lộ, chung chi vốn đã khá quen thuộc ở nhiều lĩnh vực, dù Nhà nước cũng như xã hội đều muốn loại bỏ. Nhưng vụ việc này đã được dư luận đặc biệt chú ý do nó xảy ra không phải ở rừng, cũng không phải sự dấm dúi mà diễn ra ngay bên trong trụ sở của kiểm lâm.

Như vậy là đã có một cuộc thương lượng đưa và nhận hối lộ giữa doanh nghiệp và cán bộ kiểm lâm. Đã tìm thấy những cọc tiền được cho là tang vật hối lộ. Đã có những cán bộ kiểm lâm bị "bắt tận tay, day tận trán" khi đang "vòi tiền". Đáng xấu hổ là tất cả những điều ấy đều diễn ra ngay trong trụ sở của cơ quan kiểm lâm.

Những năm gần đây, dư luận đã nhiều lần lên án những vụ lâm tặc tấn công kiểm lâm, phá rừng trục lợi. Và tất nhiên rất nhiều người phẫn nộ. Song sự phẫn nộ ấy có lẽ đáng nhân lên gấp bội khi chính những người được giao trọng trách ngăn chặn những hành vi phi pháp, bảo vệ rừng lại đang tiếp tay cho cái xấu. Tháng 12-2011 tại Nghệ An đã xảy ra một vụ xe chở gỗ lậu bị lật làm 10 người chết. Và chỉ đến khi vụ việc đau lòng ấy xảy ra thì người ta mới "vỡ" ra sự liên quan của hàng loạt cán bộ kiểm lâm trên địa bàn. Những cán bộ biến chất này rồi cũng phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng trước thực trạng mỗi năm vẫn có rất nhiều cánh rừng trên cả nước bị chặt phá bởi lâm tặc có nên đặt ra trách nhiệm từ chính cán bộ kiểm lâm khi chuyện "kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc" đã được dư luận nhiều lần đề cập. Ngay chính trạm kiểm lâm ở Thanh Hóa nói trên cũng đã từng được báo chí tố chuyện "làm luật" từ hồi năm 2011…

Rừng bị tàn phá, lợi ích chỉ vào tay một số người trong khi sự thiệt hại với đất nước, với xã hội và người dân thì vô cùng lớn. Những lũ ống, lũ quét, những thiên tai tàn phá cuộc sống người dân thời gian qua có nguyên nhân trực tiếp chính là nạn phá rừng. Tất thảy chúng ta đều mong rừng được bảo vệ, những loại cây con quý hiếm được bảo tồn. Song, mọi nỗ lực có thể sẽ "đổ sông đổ bể" nếu còn tồn tại những sâu mọt ngay trong chính các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn. Một vụ hối lộ đã xảy ra, nhiều vụ trước đó đã xảy ra và còn bao nhiêu vụ sẽ xảy ra liên quan đến kiểm lâm? Sự ăn hối lộ một cách trơ trẽn ngay trong chính trụ sở kiểm lâm là một điều đáng xấu hổ và đáng để lên án cả về khía cạnh pháp luật và nhân cách. Vụ việc cũng làm lộ ra một khoảng tối đã "vượt khỏi tầm soát của pháp luật". Và nó cũng như lời giải đáp chua chát cho câu hỏi trong dư luận bấy lâu là vì sao có không ít cán bộ ngành kiểm lâm cứ giàu lên một cách nhanh chóng như vậy. Phải chăng sự giàu có bất thường ấy là nhờ vào lộc rừng và cả lộc của lâm tặc?

Nữ Quỳnh