Trừng phạt kinh tế Nga - con dao hai lưỡi
Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 04/08/2014
Hoa quả của Ba Lan là mặt hàng bị cấm nhập vào Nga từ ngày 1-8. |
Theo tính toán của các nhà phân tích kinh tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU có thể trở thành cú quyết định đối với nền kinh tế Nga vốn đang khó khăn do tăng trưởng gần như bằng không, dòng vốn 76 tỷ USD "tháo chạy" khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm và giảm một nửa tổng giá trị các khoản đầu tư từ nước ngoài. Nga được dự báo có thể thiệt hại khoảng 100 tỷ euro trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, cái giá mà EU phải lĩnh cũng không hề nhỏ. Ngày 2-8, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 90 tỷ euro trong 2 năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.
Một số nước tại Lục địa già cũng thừa nhận rằng, việc Mỹ và EU đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Mátxcơva sẽ gây thiệt hại đáng kể. Trong đó, các tập đoàn lớn là những đối tượng chịu tổn thất nặng nhất. Điển hình là Adidas. Cổ phiếu của hãng trang phục thể thao hàng đầu thế giới đã giảm 15% sau khi hãng công bố dự báo giảm lợi nhuận liên quan đến việc sớm đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Nga để tránh rủi ro. Không chỉ Adidas, nhiều doanh nghiệp lớn khác ở Châu Âu như Siemens, Royal Dutch Shell, Erste Group… cũng bày tỏ lo ngại về những thiệt hại kinh tế sau các lệnh cấm vận của EU và Mỹ nhằm vào Nga. Mặc dù Bỉ không phải là bạn hàng lớn của Nga và quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước còn ở mức khiêm tốn, song những biện pháp trừng phạt mới mà EU tung ra với Nga cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới xuất nhập khẩu của Bỉ vào thị trường rộng lớn nhất Châu Âu. Còn Ủy ban phương Đông nghiên cứu kinh tế của Đức cho biết, các biện pháp trừng phạt nói trên sẽ gây rủi ro cho 350.000 người lao động trong các cơ sở lệ thuộc vào quan hệ thương mại Đức - Nga. Ngoài ra, những biện pháp này còn đặc biệt gây lo ngại cho các nước có nền kinh tế mong manh như Italia.
Ngay sau lệnh trừng phạt mới được các bên đưa ra trong tuần qua, thị trường chứng khoán Châu Âu đồng loạt mất điểm. Con số thiệt hại với các lĩnh vực thương mại của EU chắc chắn còn gia tăng khi Nga mở rộng danh sách đáp trả, trong đó Ba Lan là cái tên mới nhất. Lệnh cấm nhập khẩu hầu hết các loại rau, quả từ Ba Lan với lý do dư lượng nitrat cao quá mức cho phép sẽ làm quốc gia Đông Âu này thiệt hại đáng kể. Vì hiện tại, Nga là thị trường tiêu thụ táo lớn nhất của Ba Lan và quốc gia này đang thu lợi khoảng 1,3 tỷ USD/năm nhờ xuất khẩu rau quả sang Nga. Phó Thủ tướng Ba Lan Janusz Piechocinski cho rằng, các lệnh trừng phạt mới giữa EU và Nga sẽ làm giảm 0,6% mức tăng trưởng kinh tế Ba Lan ngay trong năm nay. Theo ông J.Piechcinski, kim ngạch xuất khẩu của Ba Lan sang Nga cho tới nay đã giảm 7%, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang Ukraine giảm 26-29%. Trong thời gian tới, ngoài các mặt hàng như sữa, pho mát, hành tây từ Ukraine, đào từ Hy Lạp, mận từ Serbia, thịt từ Tây Ban Nha… được cho là sẽ bị chặn đứng vào biên giới Nga. Ngoài ra, Mátxcơva còn có thể trừng phạt hàng gia cầm từ Mỹ.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải lên tiếng cảnh báo, việc phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt chống Nga có thể làm gia tăng rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Theo IMF, các ngân hàng Áo là những thể chế dễ bị tổn thương nhất và hậu quả với các ngân hàng này có thể ảnh hưởng tới các kênh tín dụng tại Châu Âu. Ngoài ra, các ngân hàng Pháp, Italia và Thụy Điển cũng đối mặt với những rủi ro lớn hơn so với các ngân hàng của các nước phát triển.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ phố Wall (Mỹ) năm 2008 và tiếp theo đó là cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu, nền kinh tế thế giới chỉ vừa tìm lại được đà phục hồi từ cuối năm ngoái. Trong bối cảnh đà phục hồi còn hết sức mong manh và bị chi phối bởi các nhân tố như: Tỷ lệ thất nghiệp cao, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, sức mua vẫn ì ạch… thì "cuộc chiến thương mại" giữa Mỹ, EU với Nga dự báo thiệt hại trên diện rộng đang có nguy cơ kéo tuột đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống những giới hạn khó lường trong năm nay.