Công trình chục tỷ có nguy cơ “đắp chiếu”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:05, 04/08/2014

(HNM) - Niềm vui có nước máy sử dụng chưa được bao lâu thì nhiều hộ dân xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) đã buộc phải quay trở lại dùng nước giếng khoan, nước mưa vì lo sợ nước máy không bảo đảm an toàn.


Chất lượng nước đáng ngại

Từ lâu, người dân xã Xuân Dương đã có thói quen dùng nước mưa làm nước ăn thay cho nước giếng khoan đã bị cạn kiệt và nhiễm asen nặng. Vì thế, hầu hết trong mỗi gia đình ở Xuân Dương đều có một bể hứng nước mưa để dùng ăn, uống; bể nước giếng khoan dùng tắm giặt, vệ sinh. Từ khi UBND xã Xuân Dương thông báo xây dựng trạm cấp nước sạch, người dân rất phấn khởi vì biết mình sắp thoát khỏi cảnh dùng nước ô nhiễm. Cuối năm 2013, đầu năm 2014, Trạm cấp nước hoàn thành đi vào hoạt động, người dân ở 3 thôn Trường Xuân, Vân Đồng và Xuyên Dương hồ hởi lắp đặt đồng hồ nước với giá 1,5 triệu đồng/đồng hồ để mong sớm được dùng nước máy. Thế nhưng niềm vui "ngắn chẳng tay gang", sử dụng nước máy chưa lâu, người dân nơi đây phát hiện nhiều hiện tượng khác lạ đáng sợ.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại Trạm cấp nước Xuân Dương để kiểm nghiệm.


Gia đình anh Lê Văn Thu và chị Lê Thị Huệ ở thôn Trường Xuân rất vui khi vừa xây dựng xong ngôi nhà khang trang hồi đầu năm nay thì có ngay nước máy sử dụng. Thế nhưng, chỉ sau đúng một tuần dùng nước, gia đình anh Thu đã phải cắt đường ống, treo ngược đồng hồ nước. Chỉ vào phía góc sân nơi đặt chiếc đồng hồ đo nước bụi phủ đầy, anh Lê Văn Thu nói giọng ngán ngẩm: "Luộc thịt, ninh xương cả tiếng vẫn thấy đỏ hồng; pha trà thì nước chuyển màu đỏ quạch; luộc rau muống nước chuyển màu như dùng nước giếng khoan... như thế ai dám dùng nước máy nữa!". Sau khi phát hiện những "hiện tượng lạ" này từ nước máy, gia đình anh Thu và gia đình người con trai Lê Văn Thế đã "cạch" hẳn nước máy. Ở gần nhà anh Thu, gia đình anh Nguyễn Văn Quang cũng trong tình trạng tương tự và anh Quang đã phải chuyển sang dùng nước giếng khoan và nước mưa. Anh Quang than phiền: Dùng nước máy luộc thịt mãi vẫn thấy ngả màu đỏ hồng. Nhìn bề ngoài miếng thịt như vẫn còn sống, khi thái ra thì thịt đã chín nhưng miếng thịt rất khô. Chúng tôi luộc bằng nước mưa, miếng thịt trắng và trông mềm hơn hẳn.

Cần sớm xác định rõ nguyên nhân


Trạm cấp nước sạch Xuân Dương được xây dựng từ năm 2008 với nguồn vốn đầu tư ban đầu của Bộ NN&PTNT và vốn đối ứng của UBND xã Xuân Dương. Nhưng do thiếu vốn nên dự án bị đình hoãn trong thời gian dài, đến năm 2010 từ chủ trương xã hội hóa các công trình cấp nước sạch nông thôn theo chương trình của Sở NN&PTNT Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng - Vietcom đã nhận đầu tư xây dựng với số vốn trên 10 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013, đầu năm 2014. Theo chị Hoàng Thị Bích, cán bộ quản lý Trạm cấp nước Xuân Dương, số lượng đồng hồ lắp đặt đến thời điểm này đạt trên 1.300 hộ dân (toàn xã Xuân Dương có khoảng 1.600 hộ dân) nhưng chỉ mới có khoảng 400 hộ sử dụng nước với lưu lượng bình quân 100m3/ngày đêm.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới về những nghi ngại chất lượng nước không bảo đảm, cả Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Dương Hoàng Trung Thân và Trưởng thôn Trường Xuân Nguyễn Văn Tiến đều khẳng định ngắn gọn: "Qua theo dõi quá trình sử dụng nước máy một năm nay, chúng tôi thấy chất lượng nước bình thường, không có hiện tượng gì. Người dân cũng chưa có phản ánh gì tới chính quyền địa phương". Tuy nhiên, ông Hoàng Trung Thân lại cung cấp một số liệu khiến những người quản lý Trạm cấp nước đáng phải suy nghĩ. Trong số 400 hộ dân đang dùng nước máy thì chỉ có khoảng 10% là dùng để ăn trực tiếp vì hộ không có bể nước mưa, còn lại người dân chỉ sử dụng tắm giặt, vệ sinh. Theo lời ông Hoàng Trung Thân và ông Nguyễn Văn Tiến, bản thân hai gia đình cũng đang sử dụng nước máy, nhưng vẫn dùng bể nước mưa đã có từ trước để nấu ăn, uống.

Để làm sáng tỏ chất lượng nước tại Trạm cấp nước Xuân Dương có bảo đảm hay không cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng chuyên môn, trong đó trách nhiệm cao nhất là Công ty Vietcom. Trong khi chờ đợi những thông tin tin cậy và khách quan, theo những tài liệu chúng tôi thu nhận được từ thực tế và trong các cuộc làm việc với lãnh đạo UBND xã Xuân Dương, Trạm cấp nước Xuân Dương thì sự việc người dân đặt nghi ngờ vào chất lượng nước là có cơ sở. Trong các kết quả phân tích chất lượng nước sạch của trạm cung cấp đến người dân xã Xuân Dương, chúng tôi đã nhận ra một số thông tin trái ngược trong các kết quả phân tích mẫu nước khác nhau. Theo đó, tháng 5-2014, kết quả phân tích mẫu nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH& VSMTNT) Hà Nội phân tích tại Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ cấp nước và vệ sinh môi trường (thuộc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) cung cấp thì có 2 chỉ số, gồm hàm lượng amoni 12,6mg/l, vượt gấp 4 lần cho phép (quy chuẩn là 3mg/l); hàm lượng độ oxy hóa 7mg/l, vượt gần gấp 2 lần cho phép (quy chuẩn là 4mg/l). Theo các chuyên gia, bản thân chất amoni không gây bệnh và cũng không có ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu khi nước mang hàm lượng amoni quá cao, đến một lúc nào đó nó sẽ chuyển hóa thành chất nitơ sẽ không tốt cho sức khỏe. Biểu hiện của chất nitơ cao trong nước, khi luộc thịt, để trong một thời gian miếng thịt rất dễ chuyển thành màu đỏ. Đáng ngại nhất là khi nước nhiễm nitơ cao sẽ là nguồn gốc gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều khó hiểu là vào cùng thời điểm trên, kết quả phân tích các chỉ số trong mẫu nước của Trạm cấp nước Xuân Dương lại hoàn toàn trong ngưỡng cho phép, trong đó có cả chỉ số amoni.

Một thực tế "mắt thấy tai nghe" nữa là 2 giếng khoan nước ngầm để phục vụ máy lọc nước có thiết kế công suất 1.200m3/ ngày đêm tại Trạm cấp nước Xuân Dương lại nằm ở những vị trí "nhạy cảm". Theo quan sát của chúng tôi, một giếng chỉ cách nghĩa địa táng mộ khoảng 40-50m, một giếng khác thì ngay cạnh bãi rác. Giải thích về việc này, đại diện Công ty Vietcom cho rằng: "Máy khoan sâu xuống lòng đất dùng nước ngầm, chứ không dùng nước mạch ngang nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng". "Theo cảm quan, hai giếng khoan nước ngầm cho dân sử dụng đặt ngay những vị trí đó sẽ có khả năng ô nhiễm cao. Rất nhiều vị trí khác có thể đặt sao họ không khoan? Người dân chúng tôi đâu hiểu "mạch ngang", "mạch dọc" như thế nào, cứ ở gần những khu đó là không thể yên tâm được" - một người dân ở thôn Xuyên Dương nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoạt, người thôn Trường Xuân, một trong những hộ vẫn "kiên trì" dùng nước máy của trạm ca thán: "Chúng tôi không biết chất lượng nước có bảo đảm hay không, nhưng khi thấy những hiện tượng như vậy thì không dám ăn, chỉ dùng vào giặt giũ, vệ sinh. Nhà chức trách cần sớm kiểm tra, nếu khẳng định bảo đảm chất lượng chúng tôi dùng mới an tâm".

Trước thực trạng đang xảy ra tại Trạm cấp nước Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm đã trực tiếp xuống kiểm tra và chỉ đạo Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội lấy mẫu nước sạch tại trạm và một số hộ dân để làm xét nghiệm. Ông Đào Duy Tâm yêu cầu Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội thực hiện ngay việc truyền thông, phổ biến các thông tin liên quan đến việc sử dụng nước sạch, tác hại của việc sử dụng các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh như nước mưa, nước giếng khoan... Về phía Công ty Vietcom đã có những biện pháp tích cực, trong khi chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước mới nhất đã mời Trung tâm NSH&VSMTNT, các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai, lãnh đạo xã Xuân Dương chứng kiến việc công ty cho khóa hệ thống hai giếng khoan gần nghĩa địa và bãi rác, không khai thác và báo cáo cấp trên cho cắt bỏ hai giếng khoan trên. Giám đốc Công ty Vietcom Nguyễn Đắc Lên cho biết, do thực tế người dân mới dùng được 1/3 công suất nên công ty sẵn sàng cắt bỏ hai giếng khoan mà người dân cho là nhạy cảm gần nghĩa địa và bãi rác ảnh hưởng đến chất lượng và khẩn trương tìm vị trí cho hai giếng khoan mới để người dân yên tâm.

Chí Kiên