Bài 1: "Lợi bất cập hại"
Đời sống - Ngày đăng : 05:45, 04/08/2014
Bài 1: "Lợi bất cập hại"
Thuốc BVTV được biết đến như một giải pháp hữu hiệu trong phòng trừ sâu bệnh và bảo đảm năng suất cây trồng. Tuy nhiên, tình trạng thuốc BVTV không được quản lý chặt chẽ, cộng với sự thiếu kiến thức của không ít người dân dẫn đến việc sử dụng quá nhiều, thậm chí là lạm dụng thuốc BVTV đã gây "lợi bất cập hại".
Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tràn lan ở các địa phương. Ảnh: Phương An |
Thói quen chết người!
Ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân dùng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời điểm). Đây là biện pháp hữu hiệu tránh thiệt hại, lãng phí, bảo đảm năng suất và hiệu quả trong trồng trọt. Tuy nhiên, hơn 60% dân số sống bằng nghề nông đồng nghĩa với số lượng người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV rất lớn, nhưng phần lớn đều sử dụng dựa vào kinh nghiệm, thậm chí lạm dụng thuốc, dẫn tới những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe và môi trường sống. Tình trạng nông dân phun kèm, phun ghép nhiều loại thuốc BVTV trong một lần, không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đang diễn ra phổ biến ở các địa phương, khiến hiệu quả phòng trừ thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Chuyên gia kiểm soát dịch hại của FAO Kevin Gallagher cho rằng, nông dân ở khắp mọi nơi đang bị ảnh hưởng bởi quảng cáo và luôn có nhiều thông tin sai lệch ở mọi nơi, vào mọi thời điểm. Để minh chứng cho điều đó, chúng tôi đã theo chân chị Nguyễn Thị Chanh, một nông dân chuyên trồng hoa ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đến cửa hàng bán thuốc BVTV trên địa bàn để mua thuốc phun cho 1 sào hoa hồng đang bị bệnh rệp sáp. Chị Chanh được chủ cửa hiệu bán thuốc BVTV giới thiệu một loạt các loại thuốc như Dipterex, Rogor, Dibrom, Tmidan, Malathion, Sumithion, DDVP 0,1%... và kèm theo lời tư vấn: "Để trị bệnh dứt điểm cho 1 sào hoa hồng, chị nên phối hợp 4 loại với nhau cho kết quả nhanh và hiệu quả hơn". Vụ mùa 2014 này, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các giống: Bắc thơm số 7, BC15, TBR45, HT1… và theo Chi cục BVTV Hà Nội thì chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, chủ một cửa hàng thuốc BVTV vẫn khẳng định với chúng tôi là có thuốc BVTV đặc trị cho các loại bệnh này (?).
Được biết, trong mỗi mùa vụ, Chi cục BVTV Hà Nội đều khuyến cáo về tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng và hướng dẫn nông dân cách phòng, trị bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ việc dùng bẫy sinh học đến việc phun thuốc BVTV có trong danh mục cho phép. Các địa phương còn thông báo cả loại thuốc dùng, liều lượng, cách pha chế, cách phun… Thế nhưng, ở một số nơi, tình trạng nông dân pha nhiều loại thuốc BVTV vào phun một lần để đỡ phải phun nhiều lần không chỉ trên cây hoa, mà cả trên cây lúa vẫn phổ biến. Chẳng hạn, cơ quan chuyên ngành BVTV hướng dẫn phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 kết hợp với thuốc trừ bệnh khô vằn, nhưng nhiều hộ dân phun kết hợp tới 4-5 loại thuốc BVTV: Sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy lưng trắng lứa 5, bọ xít, bọ trĩ. Mặt khác, nhiều giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chọi đối với các loại sâu bệnh hại như bệnh đạo ôn cổ bông, song theo bà Đặng Thị Lan, một nông dân chuyên trồng lúa thơm tại xã Phú Túc, Phú Xuyên, thì việc phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông trở thành một thói quen đối với người dân nơi đây.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. |
Sử dụng lãng phí…
Trên thực tế, các dịch hại có thể cùng xuất hiện và gây hại cho cây trồng, nên việc phối trộn các loại thuốc BVTV sẽ giúp bà con tiết kiệm được chi phí, công phun. Song, việc phối trộn các loại thuốc BVTV với nhau như thế nào, có được hay không, thì không phải người dân nào cũng biết. Nhiều nông dân đã từng được tập huấn kiến thức cơ bản về cách phối trộn và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng chưa tuân thủ đúng quy trình. Không những thế, khi cần mua thuốc để xử lý các loại sâu bệnh, phần lớn nông dân lại bị đại lý "lái" mua những sản phẩm theo ý của họ, phối trộn nhiều loại thuốc khác nhau và thường phun quá nồng độ, liều lượng khuyến cáo trên bao bì, nhãn mác.
Việc người dân sử dụng thuốc BVTV tràn lan, không chỉ làm các đối tượng dịch hại "nhờn" thuốc và đẩy nhanh quá trình hình thành tính kháng, mà còn gây lãng phí, không hiệu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo các nhà chuyên môn, nếu phun thuốc không đúng đối tượng, đúng thời điểm… thì chi phí tăng gấp từ 1,5 đến hơn 2 lần. Nguy hại hơn là tận diệt hết các thiên địch, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các loại thủy sinh. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết: Làm thế nào để mỗi cán bộ BVTV cơ sở thực sự là một "bác sĩ" trên đồng ruộng, có thể kê đơn cho nông dân mua thuốc tại các cửa hàng thuốc BVTV đúng loại, đúng liều lượng đang là trăn trở của lãnh đạo chi cục. "Nếu nông dân còn thói quen tự mua thuốc phòng trừ, xử lý sâu bệnh, bỏ qua những khuyến nghị của cơ quan chuyên môn, thì vẫn còn đất sống cho các loại thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục cho phép tồn tại"- ông Hồng nhận định. Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng, nông dân chưa tuân thủ đúng hướng dẫn của ngành BVTV một phần do trình độ hiểu biết còn hạn chế; một phần do ý thức của những người kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh thuốc BVTV ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo...
Hiện tại, lực lượng lao động nông nghiệp ở nhiều địa phương đã yếu lại thiếu. Do thu nhập trong nông nghiệp thấp, hầu hết những người có sức khỏe đã đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp, khu đô thị, nội đô… Chính vì vậy, ở nông thôn giờ đây chủ yếu là người già, người yếu sức khỏe đảm nhiệm công việc đồng áng. Và ngày càng có ít nông dân mặn mà với đồng ruộng, kịch bản nông dân bỏ ruộng, chán ruộng tiếp tục diễn ra nếu như những chi phí kiểu này còn tiếp diễn.