Dự kiến điểm chuẩn ĐH 2014: Tốp trên giảm, nhóm giữa lại tăng

Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:41, 04/08/2014

(HNM) - Ngày 5-8 là thời hạn để các trường ĐH, CĐ công bố điểm thi. Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa đưa ra mức sàn song nhiều trường đã có thể dự kiến điểm chuẩn.


Trường "top" giảm điểm chuẩn

Những thống kê về điểm thi cho tới thời điểm này chưa ghi nhận thí sinh nào đạt mốc điểm 30 ở cả hệ ĐH và CĐ, trong khi vào năm ngoái đã có 11 thí sinh được 30 điểm (tính cả hai hệ). Kết quả này, như nhiều chuyên gia đánh giá, thể hiện rõ tác dụng phân loại thí sinh ở "tầng" giỏi và xuất sắc. Nhờ đó, Trường ĐH Y Hà Nội, dù không bội thu điểm 10 như ở mùa thi năm 2013 nhưng đã tránh được cảnh thí sinh được tới 27 điểm mà vẫn có thể trượt ĐH, một điều "phản cảm" như Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh từng chia sẻ. Ngoài lý do mặt bằng điểm hạ, năm nay điểm chuẩn của Trường ĐH Y Hà Nội thấp hơn so với năm trước từ 0,5 đến 1 điểm do số thí sinh được tuyển thẳng không nhiều như năm 2013. Tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, ngành bác sĩ đa khoa năm nay có điểm chuẩn dự kiến là 24, giảm đáng kể so với mức 25,5 điểm ở mùa thi trước. Cùng khối ngành nói trên, Trường ĐH Dược Hà Nội có mức giảm đáng kể nhất - điểm chuẩn dự kiến là 23,5 điểm, thấp hơn năm ngoái tới 3,5 điểm. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường là 27, chỉ thấp hơn Trường ĐH Y Hà Nội.

Thí sinh trao đổi đáp án sau giờ thi. Ảnh: Viết Thành


Thuộc nhóm ngành khác, Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điểm sàn khối A vào trường là 21 điểm, như vậy là giảm tới 1,5 điểm so với năm 2013. Trưởng phòng Đào tạo của trường Nguyễn Quang Dong lý giải: Việc điểm chuẩn giảm là do trường có 4.800 chỉ tiêu - tăng thêm 300 chỉ tiêu so với năm trước. Có cùng lý do này là Học viện Ngân hàng, vì có thêm 300 chỉ tiêu nên điểm sàn vào trường giảm nhẹ hoặc không tăng: Khối A, A1 là 19 điểm; khối D1 là 19,5 điểm (tiếng Anh không nhân hệ số) dành cho ngành ngôn ngữ Anh. Còn Trường ĐH Thương mại dự kiến điểm sàn năm nay cho khối A là 17,5 điểm, thấp hơn năm trước 2,0 điểm. Theo Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Nhàn, một trong các lý do dẫn đến hiện tượng này là do tâm lý ngại ngần của thí sinh. Năm 2013, số hồ sơ vào trường tăng cao đột biến, mức điểm chuẩn cũng tăng lên và điều đó khiến thí sinh năm nay e ngại. Tuy vậy, theo nhà trường, lượng hồ sơ và điểm chuẩn lên xuống hằng năm theo dạng đồ thị hình sin cũng là tình trạng chung chứ không riêng gì ĐH Thương mại.

Trường nhóm giữa hút thí sinh, tăng điểm chuẩn

Đáng lưu ý, trong khi nhiều trường nhóm trên dự kiến giảm điểm chuẩn thì không ít trường thuộc nhóm giữa lại cho biết đầu vào sẽ tăng. Lý do quan trọng là điểm thi của thí sinh tập trung nhiều ở phổ điểm trung bình. Điều này thể hiện rõ nét ở các trường phía Nam. Ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, toàn trường có đến 5.426 thí sinh đạt từ 16 điểm trở lên trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 của trường chỉ là 2.850, bởi vậy trường dự kiến tăng điểm chuẩn ở nguyện vọng 1 cho các ngành ĐH.

Thống kê của Trường ĐH Sài Gòn cho thấy 8.387/26.060 thí sinh dự thi đạt từ 15 điểm trở lên, đạt mức điểm 17 có 4.521 thí sinh. Như vậy, với 2.950 chỉ tiêu, năm nay nhiều ngành của trường dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng ít nhất từ 0,5 đến 2 điểm so với năm 2013. Tương tự, do phổ điểm của thí sinh tập trung nhiều ở mức 16 - 18 nên Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh có thể sẽ tăng điểm chuẩn ở nhiều ngành. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đa số ngành học đều có điểm chuẩn dự kiến tăng hoặc bằng so với năm trước. Ngành chế tạo máy có điểm chuẩn dự kiến là 19,5 (tăng 2 điểm), các ngành khác như điện, công nghiệp thực phẩm, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật ô tô… đều tăng 0,5 - 1 điểm. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh dự kiến mức điểm chuẩn cho tất cả các ngành khối A, A1 là 21 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2013. Trường ĐH Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh dự kiến một mức điểm chuẩn vào trường cho các ngành là 19 điểm (tăng khoảng 1,5 điểm).

Bên cạnh lý do phổ điểm, điểm chuẩn của một số trường tăng lên là do lượng thí sinh tăng đột biến. Nhiều trường trước đây lo thiếu thí sinh, nay lại đối diện với tình trạng dư thừa, điển hình là Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, do lượng thí sinh dự thi tăng và phổ điểm cao nên dự kiến mức điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào các ngành bậc ĐH như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật hóa học… sẽ cao hơn điểm sàn từ 1 đến 3 điểm. Trường ĐH Hoa Sen dự kiến điểm trúng tuyển năm nay của các ngành kinh tế, dịch vụ du lịch, nhà hàng và khách sạn sẽ bằng hoặc tăng 0,5-1 điểm so với năm 2013. Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều ngành có lượng thí sinh dự thi và điểm khá cao như công nghệ thực phẩm, môi trường, thú y, nông học… Bởi vậy, dự kiến điểm chuẩn của trường này sẽ không thấp hơn năm 2013 (15-21 điểm), một số ngành có thể có điểm chuẩn cao hơn.

Quỳnh Phạm - Nghiêm Ý