Kiên quyết với "giặc nội xâm"
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:23, 04/08/2014
Số tiền hối lộ cũng như lượng hàng hóa vi phạm, cụ thể ở đây là gỗ lậu, không quá lớn, song dư luận và ngay cả người trong cuộc cũng cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp. Nhận định này là có cơ sở. Bởi từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách về bảo vệ rừng, có nhiều chế tài để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác ồ ạt tài nguyên rừng; có cả một hệ thống "hàng rào" với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, mà ngành kiểm lâm đóng vai trò chủ lực… Không phủ nhận những đóng góp của ngành kiểm lâm, nhất là nhiều cán bộ, nhân viên kiểm lâm đã cống hiến cả xương máu để giữ gìn, bảo vệ rừng; tuy nhiên, ở không ít địa phương lâu nay rừng vẫn bị "chảy máu", gỗ quý và động vật quý hiếm vẫn từ đây kìn kìn chở về xuôi... Tình trạng trên đã cho thấy hệ thống "rào chắn" bảo vệ rừng lâu nay vẫn tồn tại không ít "lỗ thủng" lớn.
Vụ nhận hối lộ của nhân viên kiểm lâm ở Thanh Hóa bị phanh phui đúng thời điểm dư luận xã hội đang nóng bởi tình trạng bảo kê cho xe quá tải, xe dù… diễn ra ở nhiều địa phương. Phải nói ngay rằng, xét về quy mô, tính chất thì vụ "kiểm lâm Thanh Hóa" không thể so sánh với những bức xúc mà báo chí đã liên tục phản ánh về tình trạng này trong thời gian qua. Kiểm soát, xử lý xe chở quá tải trọng, xe khách chở quá quy định là chủ trương đúng, khẳng định quyết tâm của các ngành chức năng trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn, thế nhưng, ngay sau khi triển khai đã vấp phải sự chống đối khá dữ dội. Thậm chí đã xảy ra tình trạng bảo kê, "chống lưng" cho các doanh nghiệp vi phạm; càng nguy hiểm hơn khi ở nhiều nơi đoàn xe vi phạm còn được "hộ tống" bởi các băng nhóm "xã hội đen". Hậu quả là xe quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên vượt trạm cân, "lọt lưới" các chốt kiểm tra; thách thức pháp luật và bất chấp công luận. Tình trạng trên không chỉ làm hư hỏng đường bộ, mà còn tạo môi trường kinh doanh bất bình đẳng, doanh nghiệp kinh doanh vận tải chân chính chịu thiệt thòi. Đáng nói, ở nhiều tỉnh, thành phố vi phạm lộng hành đến mức dư luận và báo chí phải gọi bằng những từ "xe vua", "tập đoàn xe dù", thế nhưng không thấy chính quyền địa phương can thiệp. Sự việc nhức nhối đến nỗi không chỉ ngành GTVT, công an mà cả Chính phủ cũng phải vào cuộc. Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an chiều 31-7, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã báo cáo "có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng tồn tại khiến các xe vi phạm vượt trạm cân dễ dàng". Tuy nhiên, vị "tư lệnh ngành" cũng thừa nhận: Tình trạng này các bộ, ngành, địa phương đều biết, nhưng chưa bắt được vụ nào!
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các nhóm tội phạm "bảo kê" xe quá tải. Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nếu để tình trạng xe quá tải tiếp diễn thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Quan điểm của Chính phủ được dư luận đồng tình ủng hộ. Bởi rõ ràng nếu không quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu thì khó có thể dẹp được tiêu cực, tham nhũng - được ví như "giặc nội xâm", làm nghèo đất nước. Tương tự như vụ việc ở Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, nếu cơ quan điều tra không vào cuộc kịp thời, quyết liệt thì sẽ khó loại bỏ được những "công bộc" lợi dụng chức vụ, quyền hạn để có hành vi tiêu cực, tham nhũng.