Đòi hỏi cấp thiết

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:28, 03/08/2014

(HNM) - Mấy ngày qua, có vài chuyện trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đầu tiên là các trường ĐH-CĐ hoàn thành việc chấm và công bố điểm thi, bắt đầu đưa ra dự kiến điểm chuẩn.

Dù là việc "đến hẹn lại lên", nhưng không thể phủ nhận xưa nay đây luôn là sự kiện quan trọng đối với hàng triệu thí sinh và phụ huynh, vốn từ lâu phải sống trong sự thấp thỏm, hy vọng và không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà đằng đẵng hàng chục năm.

Sự kiện thứ hai cũng rất đáng chú ý, đó là tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 (diễn ra ngày 30-7), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT hoàn thành phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung và áp dụng ngay từ năm 2015. Vậy là, cho dù còn nhiều tranh luận trong việc chọn ra phương án tối ưu, song ngay từ đầu năm học tới học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu hành trình cho cuộc đua mang tên "kỳ thi quốc gia chung". Theo đó kết quả thi sẽ được dùng để xét tốt nghiệp và là căn cứ để tuyển sinh đại học. Như đã nói, dù vẫn còn rất nhiều việc phải bàn, nhưng rõ ràng việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung ngay từ năm 2015 sẽ là một dấu ấn quan trọng trong tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà, được kỳ vọng là đổi mới một cách toàn diện và sâu sắc, cả về nội dung cũng như hình thức. Ấy là nói một cách vĩ mô, còn cụ thể thì rõ ràng kỳ thi chung chẳng những sẽ giảm bớt gánh nặng cho học sinh và phụ huynh, mà còn làm vơi đi áp lực đối với cả xã hội.

Cũng liên quan đến giáo dục, ban đầu tưởng như khá lặng lẽ nhưng nội dung sự kiện sau đó lại "dậy sóng" dư luận. Đó là trong hai ngày 31-7 và 1-8, nhóm Đối thoại giáo dục của Giáo sư Ngô Bảo Châu và các cộng sự - là những trí thức Việt Nam tên tuổi, thành đạt ở nước ngoài - đã cùng các chuyên gia giáo dục nước nhà tổ chức hội thảo chuyên đề "Cải cách giáo dục đại học" tại TP Hồ Chí Minh. Đúng như chủ đề, hội thảo đã mổ xẻ những "căn bệnh trầm kha" của giáo dục đại học Việt Nam, đó là tình trạng trì trệ, yếu kém so với các nước trong khu vực và thế giới - theo đánh giá của một diễn giả thì giáo dục đại học của Việt Nam nằm trong 4 nước tụt hậu nhất khu vực ASEAN. Các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng "không giống ai", "đi ngược quy trình của các nước tiên tiến" trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo nguồn, tài chính, năng lực nghiên cứu khoa học, tự chủ đại học…; chẳng hạn như trong khi các trường đại học ở những nước tiên tiến không khuyến khích sử dụng nguồn lực tại chỗ thì các trường đại học Việt Nam lại xem đó như là phương án duy nhất; và theo các chuyên gia thì "việc giữ lại sinh viên sau khi tốt nghiệp làm giảng viên chỉ khiến cho giáo dục đại học thoái hóa"…

Có người đã ví cơ sở giáo dục đại học như một nhà máy, mà sản phẩm đầu ra là sinh viên, còn đối tượng sử dụng sản phẩm của hệ thống giáo dục là các cơ quan, doanh nghiệp. Và thực tế thì lâu nay vẫn có tình trạng "khách hàng" thường xuyên phàn nàn về chất lượng "sản phẩm". Quả thực là không khó để nhận ra thực trạng yếu kém, tụt hậu của giáo dục đại học Việt Nam chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự yếu kém của nguồn nhân lực Việt Nam, làm kìm hãm sự phát triển của đất nước. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2013 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhưng các chỉ số phát triển con người (HDI) vẫn đứng thứ 127/187 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Thực tế mặt bằng dân trí nước ta còn thấp so với yêu cầu của thời đại, và là trở ngại lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, đổi mới giáo dục một cách toàn diện và sâu sắc, trong đó giáo dục đại học là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải khẩn trương, quyết tâm thực hiện ngay từ hôm nay.

Hà Anh