Gặp người chỉ huy chiếc tàu bị Mỹ "bắn chìm"
Chính trị - Ngày đăng : 07:19, 03/08/2004
Trận chiến trưa ngày 2.8.1964 của Hải quân Việt Nam đã giáng trả một đòn đích đáng việc xâm phạm lãnh hải Việt Nam của lực lượng Hải quân Mỹ. Thua cay, Mỹ lớn tiếng vu khống cái gọi là
Ông Nguyễn Văn Giản và tấm bản đồ "tự vẽ"
Cảm tử quân trên biển
40 năm sau ngày diễn ra trận đánh lịch sử - trận đầu ra quân của lực lượng Hải quân Việt Nam trên vùng biển Thanh Hoá, đánh đuổi tàu khu trục Maddox Mỹ ra khỏi lãnh hải Việt Nam, chúng tôi tìm gặp thuyền trưởng tàu 339 Nguyễn Văn Giản - con tàu mà Mỹ cho rằng đã bị không quân Mỹ bắn chìm trong trận chiến ngày 2.8. Ông Giản đã 71 tuổi, nhưng khi hỏi về trận chiến lịch sử này, ông giăng ngay tấm bản đồ "tự vẽ" và kể cho chúng tôi nghe vì sao Mỹ lại cho rằng con tàu của ông đã bị bắn chìm.
Để đánh phá miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ cố tạo ra cớ "Sự kiện vịnh Bắc Bộ" bằng việc cho tàu khu trục Maddox vượt vĩ tuyến 17 xâm phạm trắng trợn vào hải phận Việt Nam. (Có thời điểm tàu khu trục Mỹ chỉ cách bờ biển Thanh Hoá, Nghệ An khoảng 6 - 8 hải lý). Đồng thời chúng còn cho tàu biệt kích nhỏ xâm phạm vào vùng biển, bắt ngư dân của ta. Tàu khu trục ngày một tiến dần về vịnh Bắc Bộ, ngày 31.7.1964 đã có mặt ở khu vực Hòn Mê. Hải quân Việt Nam nhận lệnh chiến đấu, đánh đuổi tàu khu trục Maddox. Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho Phân đội 3 - đơn vị phóng ngư lôi mạnh nhất của Hải quân Việt Nam. Phân đội gồm ba tàu mang số hiệu 333, 336 và 339, mỗi tàu được trang bị hai quả ngư lôi. Không có vũ khí chiến đấu tầm lớn, nhưng những chiến sĩ hải quân quả cảm đã rời đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) tiến về vùng biển Thanh Hoá - nơi tàu khu trục Mỹ đang hoạt động.
Khi tàu của Phân đội 3 tiếp cận gần tàu Maddox, tàu địch dùng pháo tầm xa bắn thẳng vào đội hình của Phân đội phóng lôi, đồng thời các pháo trên tàu khu trục nhả đạn liên tiếp, hòng nhấn chìm ba con tàu bé nhỏ của Hải quân Việt Nam. Kế hoạch phóng lôi công kích tàu địch được triển khai đúng kế hoạch. Sự bất ngờ và chính xác một cách tuyệt đối khiến cho tàu khu trục rơi vào thế bất ngờ vì chúng không thể nghĩ rằng ba chiếc tàu nhỏ bé của Hải quân Việt Nam lại dám đánh trả vào giữa ban ngày. Yểm trợ cho tàu khu trục, trên bầu trời máy bay Mỹ liên tiếp ném bom, bắn rốckét và pháo 20 ly xuống các tàu của ta. Thuyền trưởng tàu 336 Nguyễn Văn Tự hy sinh bởi một quả rốckét rơi đúng đài chỉ huy. Tàu 339, khi đang phóng lôi vào tàu khu trục cũng bị bốn máy bay tấn công. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản bình tĩnh chỉ huy tàu vừa tránh sự công kích của máy bay Mỹ vừa truy kích tàu khu trục và bắn trả máy bay. Địch công kích đến lần thứ 4 thì tàu 339 bị trúng rốckét vào đúng khoang máy. Máy hỏng, tàu không chạy được, máy bay của Mỹ dồn đến bắn phá tàu 339. Ông Giản kể: "Hầu hết anh em trên tàu đều bị thương và hai đồng chí hy sinh, nhưng chúng tôi kiên quyết bắn trả, kể cả có lúc phải dùng súng ngắn. Vừa đánh trả máy bay, số anh em bị thương cố sửa chữa máy. Toàn bộ số vũ khí được chuyển lên boong tàu để chiến đấu. Trong lúc tính mạng anh em như ngàn cân treo sợi tóc, tôi quyết định cho nổ bốn quả khói mù, hất hai quả xuống biển, hai quả ở đầu tàu, cộng với khói đen do đạn địch bắn vào khoang máy khiến cả con tàu 339 chỉ còn là cột khói đen ngòm. Tưởng tàu 339 bị cháy và chìm, máy bay địch đuổi theo bắn phá tàu 333 và 336".
Thoát khỏi tầm nã bom đạn của địch, các chiến sĩ của tàu 339 nỗ lực sửa chữa máy. Sửa được máy thì con tàu lênh đênh vì chỉ thấy trời và biển. Ông Giản nhớ lại, lúc đó khoảng cuối chiều, tôi thấy le lói ánh mặt trời nên định được đó là hướng tây. Tàu định được hướng, đi khoảng 50 phút thì thấy trước mắt là núi, anh em mừng to hét lên vì đã gần đến đất liền. Nhưng nỗi lo lại ập đến, biết đó là "đất Nam hay Bắc", không khéo lại rơi vào tay địch. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản và chính trị viên Mai Bá Xây bàn bạc và đi đến quyết định, cứ cho tàu tiến về đất liền, nếu gặp địch thì 60 quả lựu đạn sẽ dùng để phá tàu và anh em cùng hy sinh với tàu, quyết không rơi vào tay địch. Nửa đêm tàu bắt được tín hiệu của đài chỉ huy đất liền, nhưng không ai tin là tàu 339 và anh em còn sống sót trở về. Nghi đó là tàu địch nên đài chỉ huy còn hỏi tên, quê quán thuyền trưởng. Như vậy, trận chiến ngày 2.8.1964, toàn bộ ba tàu phóng lôi của Phân đội 3 đều đã trở về an toàn ngay trong đêm 2.8.
Chiến dịch "Mũi tên xuyên" thất bại
Sau thất bại của trận mở màn, Mỹ cay cú và quyết định thực hiện chiến dịch "Mũi tên xuyên", mở đầu bằng trận đánh ngày 5.8.1964. Máy bay Mỹ dồn dập tấn công, đánh phá căn cứ của Hải quân Việt Nam từ Quảng Bình đến Quảng Ninh với 9 đợt không kích lớn. Cùng với sự phối hợp của ba thứ quân, lực lượng Hải quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi tại chỗ 8 máy bay, phi công Mỹ Anvaret bị bắt sống ngay trên vịnh Hạ Long. Chiến dịch: "Mũi tên xuyên" của Mỹ đã bị thất bại ngay trong trận đầu.
Trận đánh đuổi tàu khu trục Mỹ ngày 2.8 và trận đánh ngày 5.8 là trận đánh thắng đầu tiên đã ghi vào lịch sử của Hải quân Việt Nam và cũng là trận thắng đầu tiên của quân và dân miền Bắc chống lại lực lượng không quân, hải quân Mỹ.
Vào ngày truyền thống này, các chiến sĩ hải quân - đồng đội của những chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh đầu tiên - lại lặng lẽ đến bên bờ biển, thả hoa, tưởng niệm những chiến sĩ hải quân quả cảm đã hy sinh vì tổ quốc.
Lê Huân (LĐ)