Quy định kê khai tài sản vẫn thiếu triệt để

Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 02/08/2014

(HNM) - Tại hội thảo "Hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính khả thi và tăng cường hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN)" do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 30-7 vừa qua, vấn đề làm thế nào để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức (CBCC) được Thanh tra Chính phủ đặc biệt quan tâm, đóng góp ý kiến.

Phó Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng và Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra Nguyễn Quốc Hiệp đều cho rằng, việc kê khai tài sản, thu nhập đang dựa vào ý thức tự giác của người kê khai. Từ năm 2007 đến nay, cả nước mới xác minh được trên 5.800 bản kê khai, chiếm 1,3%. Cũng theo ông Ngô Mạnh Hùng, các văn bản hiện hành quy định nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm gắn với người kê khai quá đơn giản. Trong khi đó, theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải thích được hợp lý bị coi là hành vi làm giàu bất hợp pháp và cần được xử lý.

Ý kiến trên rất đáng lưu ý, bởi theo Công ước về chống tham nhũng của Liên hợp quốc (được thông qua ngày 31-10-2003, Việt Nam tham gia ký kết vào tháng 6-2009), tại Điều 20, Chương III đã có quy định về xử lý tội danh "làm giàu bất hợp pháp". Tuy nhiên, việc triển khai ở Việt Nam chưa theo thông lệ quốc tế. Đây là một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến nạn tham nhũng ở nước ta diễn biến phức tạp, khó xử lý, công tác phòng chống chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Do chưa nghiên cứu, định nghĩa rõ ràng về làm giàu hợp pháp, bất hợp pháp, thu nhập bất chính, thu nhập chính đáng… nên chúng ta cũng chưa có các công cụ kiểm soát nguồn tiền, tài sản từ gốc.

Một lỗ hổng nữa, theo quy định hiện hành, người có thẩm quyền quản lý cán bộ cũng không có cơ sở pháp lý yêu cầu cán bộ giải trình dù thấy tài sản của họ tăng lên bất thường. Việc quy định tài sản, thu nhập phải kê khai thuộc sở hữu của bản thân, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên lại càng bất hợp lý, rất dễ "vẽ đường cho hươu chạy". Vì người chưa thành niên chưa có tài sản để kê khai. Nếu CBCC cố tình lợi dụng kẽ hở này để chuyển tài sản tham nhũng sang tài sản của con chưa thành niên, cơ quan pháp luật liệu có kiểm soát được?

Từ phân tích trên cho thấy, đề xuất của đại diện Thanh tra Chính phủ rất cần được các cơ quan liên quan nghiên cứu, từ đó xem xét thấu đáo chủ trương kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và cần bắt đầu từ việc hình sự hóa hiện tượng "làm giàu bất hợp pháp". Được biết, đây là vấn đề từng được Bộ Tư pháp đề nghị khi xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa. Cụ thể, theo cơ quan này, nếu thấy CBCC giàu lên một cách bất thường, thì yêu cầu phải kê khai tài sản và chứng minh nguồn gốc của tài sản. Nếu tài sản CBCC có được là bất hợp pháp thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Hồ Bách