“Cuộc đua” đến Mỹ Latinh
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:39, 02/08/2014
Với mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ với Mỹ Latinh tiềm năng "không giới hạn", chuyến công cán của người đứng đầu nội các Nhật Bản còn nhằm khẳng định vị thế của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới; đồng thời mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Chile Michelle Bachelet nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. |
Trong điểm dừng chân mới nhất ngày 1-8 tại Chile, Thủ tướng S.Abe và Tổng thống nước chủ nhà Michelle Bachelet đã nhất trí về một loạt thỏa thuận hợp tác song phương, chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ. Cùng với thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ nhằm giảm thiểu hậu quả do động đất, sóng thần gây ra, hai bên còn nhất trí sẽ đào tạo 2.000 chuyên gia Mỹ Latinh về khắc phục thiên tai trong 5 năm tới. Với một loạt thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, Tổng thống Bachelet cho rằng Chile sẽ là đối tác lớn, "cửa ngõ" kết nối Nhật Bản với Mỹ Latinh. Đáp lại, Thủ tướng S.Abe khẳng định Chile là đối tác quan trọng của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, trong đó Chile là quốc gia sản xuất đồng hàng đầu thế giới và chiếm 48% tổng khối lượng đồng nhập khẩu của Nhật Bản; có tới 90% vốn đầu tư của Nhật Bản vào Chile nằm trong lĩnh vực này với tổng số tiền 4,5 triệu USD năm 2011.
Đến với Mỹ Latinh, Thủ tướng Nhật Bản đặt trọng tâm vào các vấn đề năng lượng, nông phẩm, cơ sở hạ tầng trong chuyến công du lần này, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang phải chứng kiến mức thâm hụt thương mại đáng ngại trong quý I năm nay. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghị trình chuyến thăm Mexico, Chile, Colombia - ba nước đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật Bản - của Thủ tướng S.Abe là đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất hiệp định này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyến công du dài ngày của Thủ tướng S.Abe nhằm hiện thực hóa mũi tên thứ ba trong chiến lược phát triển kinh tế táo bạo mang tên "Abenomics". Nhiệm vụ trước mắt của Nhật Bản là đẩy mạnh quan hệ với Mỹ Latinh thông qua tăng cường hợp tác với Diễn đàn Hợp tác kinh tế Liên minh Thái Bình Dương (PA) gồm Colombia, Mexico, Peru và Chile. Hiện Nhật Bản đang tham gia diễn đàn này với tư cách là nước quan sát viên.
Với hơn 600 triệu dân, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu khí, cùng với sự tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định trong những năm qua, vị thế của Mỹ Latinh ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. Các chuyến thăm dồn dập của các nguyên thủ từ những nền kinh tế lớn của thế giới cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Mỹ Latinh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn. Không chỉ được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng và một nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng, Mỹ Latinh còn được các nước lớn từng bước đưa vào bàn cờ địa - chính trị. Nhận định này được minh chứng bằng việc - trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ Latinh nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Fortaleza (Brasil) mới đây - Tổng thống V.Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký với các nước này hàng loạt thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Nếu như Nga muốn sử dụng năng lượng để mở rộng ảnh hưởng địa - chính trị toàn cầu, thiết lập các liên minh trong khu vực và vươn tới Mỹ Latinh thì Nhật Bản lại có những toan tính riêng. Là một trong những nền công nghiệp hàng đầu thế giới, Nhật Bản đang cần các nguồn nguyên, nhiên liệu từ bên ngoài để bù đắp sự thiếu hụt trong nước. Điều đó lý giải vì sao nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dường như đang lao vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc để có thêm nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước. Ngoài lợi ích kinh tế, Nhật Bản còn mong muốn nhận được sự ủng hộ chính trị từ khu vực Mỹ Latinh trong cuộc chạy đua giành ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chuyến công du Mỹ Latinh của Thủ tướng S.Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao quốc tế và đưa giá trị Nhật Bản nhiều hơn ra thế giới. Với chuyến thăm chính thức dài ngày tại Mỹ Latinh, cả Nga, Trung Quốc và nay là Nhật Bản đều cho thấy một mục tiêu dài hạn về kinh tế và chính trị để từng bước mở rộng ảnh hưởng tại khu vực từng được xem là "sân sau" của Mỹ.