6 HCV cho các tài năng trẻ nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp

Văn hóa - Ngày đăng : 11:32, 31/07/2014

(HNMO) - Phần thi của thí sinh Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khép lại “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng chuyên nghiệp toàn quốc 2014”.

Trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo do Nguyễn Thị Quyên (Nhà hát Tuồng VN) biểu diễn. Ảnh do BTC cung cấp.


So với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống khác như chèo, cải lương, số lượng đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp thật khiêm tốn, nhưng với ý thức trách nhiệm cao, niềm đam mê và cả nỗi trăn trở gìn giữ, bảo tồn những tinh hoa của cha ông truyền lại; 40 diễn viên trẻ với 40 trích đoạn của 6 đơn vị nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp trên cả nước tham gia cuộc thi, bằng tâm huyết, đạo đức nghề nghiệp đã khổ luyện bền bỉ, đổ mồ hôi, nước mắt phần nào phô diễn được tài năng, khẳng định bản sắc văn hóa và những giá trị của nghệ thuật tuồng đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội đồng giám khảo: “..Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014 đã góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc và có những tìm tòi sáng tạo để góp phần đưa nền sân khấu Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm sao cho sân khấu tuồng truyền thống có sức lay động người xem bằng chính nghệ thuật độc đáo của mình? Chúng tôi rất mong những nghệ sĩ trẻ của nền nghệ thuật sân khấu tuồng không chịu bằng lòng với thành tích đã đạt được mà phải dày công lao động hơn nữa để tìm tòi phát huy vốn cổ để nhiều tác phẩm hay, vai diễn mới sinh động phục vụ nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng".

Qua cuộc thi, các thí sinh đã thể hiện được tài năng qua các tiêu chí thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần mà quy chế chấm thi đã đề ra. Tuy nhiên, cuộc thi cũng tồn tại một số hạn chế như trích đoạn còn sử dụng quá nhiều điển tích, nhiều câu hát, nói lối bằng ngôn ngữ Hán-Việt, những nghệ sĩ trẻ của chúng ta phần nhiều chưa hiểu hết được tích và nội hàm của câu nói, câu hát vì vậy không diễn đạt hết được ý của động tác và ngôn ngữ thể hiện. Mặt khác, có một số trích đoạn dàn dựng mới của các đạo diễn cho thấy có những trích đoạn dàn dựng chưa cấu trúc được trò diễn để phát huy được tính trữ tình, tính bạo liệt, làm cơ sở cho nghệ ngữ biểu diễn sân khấu tuồng phát huy. Về trang phục, sử dụng quá nhiều những kim xa, kim tuyến lộng lẫy làm mất đi cái dung dị của văn hóa Việt. Việc kết hợp giữa hát và múa, diễn với âm nhạc có những trích đoạn cho thấy chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn, ăn khớp.

Kết thúc cuộc thi hội đồng giám khảo đã chọn ra được những gương mặt xuất sắc nhất. Có 9 huy chương Bạc và 6 huy chương Vàng thuộc về các tài năng trẻ như: Nguyễn Thị Quyên (Nhà hát Tuồng); Nguyễn Hà Sang (Nhà hát Nghệ thuật hát Bội Tp. Hồ Chí Minh); Hoàng Thị Thu Hằng (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế); Lê Thị Thúy Hường (Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa); Trần Thị Kim Oanh (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) và Trần Thị Gái (Trần Thị Thu Thắm) - Nhà hát Tuồng Đào Tấn.

Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cũng đã trao tặng bằng khen 6 đơn vị tham và 13 giải diễn viên trẻ xuất sắc.

H.Đ