Nhiều ngân hàng tăng vốn điều lệ
Tài chính - Ngày đăng : 12:39, 18/09/2022
Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5.600 tỷ đồng. Trước đó, NCB đã chào bán thành công 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, thu về 1.500 tỷ đồng, bổ sung vào vốn điều lệ.
Cũng trong tháng 8-2022, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) thông báo phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20%, tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng, lên hơn 45.339 tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.
Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước phương án tăng vốn điều lệ từ mức 26.674 tỷ đồng lên 36.459 tỷ đồng trong năm 2022. Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.303 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng có kế hoạch tăng vốn. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ lên 55.891 tỷ đồng; Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng...
Theo kế hoạch được các ngân hàng công bố, dự kiến trong năm 2022, có 22 ngân hàng tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm khoảng 154.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.