Libya: Nguy cơ thảm họa đã cận kề

Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 31/07/2014

(HNM) - Mặc dù các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như Liên minh Châu Âu (EU) đã hối thúc một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại Libya, thế nhưng tình hình chiến sự tại quốc gia Bắc Phi này 48 giờ qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.



Trong một diễn biến mới nhất ngày 30-7, một liên minh Hồi giáo và thánh chiến đã giành quyền kiểm soát căn cứ quân sự chính ở Đông nam Benghazi, trong đó có một doanh trại ở quận Bu Attni và một trường huấn luyện của lực lượng đặc biệt thuộc quân đội chính phủ.

Kho xăng tại sân bay quốc tế ở thủ đô Tripoli bốc cháy dữ dội trong nhiều giờ qua.


Giao tranh ác liệt tại Benghazi - thành phố lớn thứ hai của Libya - và xung đột giữa các nhóm vũ trang đối địch tại thủ đô Tripoli suốt 2 tuần qua đang đẩy quốc gia Bắc Phi này vào tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ hồi cuối năm 2011. Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, giao tranh ác liệt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 150 người, làm hơn 400 người bị thương, khiến hầu hết hoạt động hàng không ở Libya bị tê liệt. Trong đó, vụ tấn công Sân bay quốc tế Tripoli (13-7) là đỉnh điểm của cuộc xung đột ở Libya trong vòng 3 năm qua, khi có tới 90% điểm đỗ máy bay tại sân bay này bị phá hủy hoàn toàn hoặc không thể hoạt động, khiến sân bay bị đóng cửa hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng Libya cũng đã khiến nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài tại nước này phải đóng cửa. Kéo theo đó là làn sóng đưa công dân, lao động của các nước rời khu vực chiến sự tại quốc gia bên bờ Địa Trung Hải. Trong một động thái hiếm hoi mới đây, các tay súng phiến quân đã nhất trí ngừng bắn trong 24 giờ kể từ ngày 29-7 (giờ Việt Nam) để cho phép lực lượng cứu hỏa khống chế đám cháy đang bùng phát dữ dội tại kho xăng ở Sân bay quốc tế Tripoli. Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức đã trở nên mong manh khi một quả đạn pháo của phiến quân nã trúng một kho xăng khác tại thủ đô Tripoli.

Tình hình chiến sự tại Libya diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi cuộc chuyển giao quyền lực cho Quốc hội mới vào ngày 4-8 đang đến gần. Theo công bố của Ủy ban Bầu cử Libya, cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ngày 25-6 vừa qua chỉ có 42% trong tổng số 1,5 triệu cử tri đăng ký đi bỏ phiếu. Con số đăng ký này thấp hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử năm 2012 - cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên ở Libya trong vòng 40 năm qua - với 2,8 triệu cử tri đăng ký. Cuộc bầu cử được xem là sự kiện trọng đại quyết định tương lai của Libya và được kỳ vọng có thể chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài kể từ khi nhà lãnh đạo M.Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Thế nhưng, tình hình chiến sự bùng nổ thời gian qua không chỉ đe dọa tiến trình chuyển giao quyền lực mà còn có nguy cơ đẩy quốc gia Bắc Phi lún sâu vào cảnh "nồi da xáo thịt" không mong muốn.

Chính phủ lâm thời Libya vừa đưa ra cảnh báo nguy cơ đất nước sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu các cuộc giao tranh giữa lực lượng vũ trang Zintan và các tay súng Misrata đối địch nhằm giành quyền kiểm soát sân bay Tripoli không chấm dứt. Chiến sự leo thang tại Tripoli khiến các ngân hàng, trạm xăng dầu phải đóng cửa, nhiều khu vực bị cắt điện và thủ đô của quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này gần như tê liệt. Trong khi đó, chính phủ lâm thời Libya dường như tỏ ra bất lực tại các khu vực xảy ra giao tranh.

Có thể thấy, Libya đang rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau các cuộc lật đổ chính quyền của Tổng thống M.Gaddafi hồi cuối năm 2011. Gần 3 năm trôi qua nhưng Libya vẫn không thể xây dựng một chính quyền mới ổn định. Quá trình chuyển tiếp chính trị gần như bị tê liệt bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, sắc tộc, đẩy tình hình an ninh đất nước đi tới chỗ khó kiểm soát. Dù đã thay đến 3 thủ tướng chỉ trong 2 tháng nhưng tình hình Libya chẳng những không tốt lên mà còn tệ hại hơn với làn sóng bạo lực tràn lan trở lại.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải họp khẩn cấp về cuộc xung đột đẫm máu tại Libya và lên án tình hình này là "không thể chấp nhận được"; đồng thời nhấn mạnh không thể dùng bạo lực để đạt các mục đích chính trị. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nếu không có một sự thay đổi toàn diện về cơ cấu và mang tính hệ thống thì sẽ chẳng có một thế lực thần kỳ nào lập lại được trật tự tại đây, và người dân Libya sẽ còn rất lâu mới được hưởng một nền hòa bình đúng nghĩa. Song, thách thức trước mắt mà giới chức trách nước này vừa cảnh báo là một thảm họa về nhân đạo - môi trường đã cận kề nếu các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn.

Đình Hiệp