Điểm nhấn đặc biệt của du lịch Thủ đô
Du lịch - Ngày đăng : 06:17, 31/07/2014
Chỉ riêng với Làng cổ Đường Lâm đã có tới 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; chưa kể một Thành cổ Sơn Tây mang nhiều dấu tích huyền thoại; một Đền Và linh thiêng cùng với hàng trăm di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng… Kho tài sản vô cùng quý giá đã và đang tạo sức hút đặc biệt cho vùng đất phía tây Thủ đô Hà Nội này.
Cổng Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Phương Dung |
Tụ hội thế mạnh du lịch văn hóa - tín ngưỡng
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, Sơn Tây đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Với truyền thống văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế hệ, mảnh đất của trung tâm xứ Đoài hiện có 193 di tích, công trình tôn giáo, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, di tích lưu niệm cách mạng, kháng chiến và hơn 300 ngôi nhà cổ. Trong đó, đã có 68 di tích được xếp hạng (gồm 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố).
Nhiều di tích nổi tiếng mà tên gọi gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm đã vinh dự được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đường Lâm hiện có 350 ngôi nhà được bảo tồn nguyên vẹn và hàng nghìn ngôi nhà truyền thống. Nét độc đáo nhất ở đây là những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi với vật liệu xây dựng chủ yếu là đá ong. Sau Hội An, phố cổ Hà Nội - những phố cổ nơi đô thị, thì Đường Lâm là ngôi làng cổ điển hình hiện còn bảo tồn được khá nguyên vẹn những dấu tích của làng Việt cổ ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đây còn là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua": Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đường Lâm cũng là nơi có Văn Miếu trấn Sơn Tây - biểu tượng của truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện qua hai tấm bia đá ghi tên 288 vị khoa giáp từ thời nhà Lý đến cuối thời nhà Mạc ở Trấn Sơn Tây xưa.
Đến với xứ Đoài, du khách không thể bỏ qua Thành cổ Sơn Tây, được xây dựng vào năm 1822 dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Thành cổ Sơn Tây vốn được xem là tòa thành đá ong độc đáo nhất Việt Nam. Hiện nay tòa thành này còn gần như nguyên vẹn hệ thống tường thành. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây chính thức được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Bên cạnh đó còn có Đền Và (Đông cung) - một trong hệ thống tứ cung nổi tiếng của xứ Đoài; đền Măng Sơn (Nam cung điện)... và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc.
Ngoài ra, Sơn Tây còn có hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có 6 địa điểm đã được gắn biển. Cùng với đó là những khu, quần thể du lịch đã và đang thu hút các nguồn lực đầu tư. Điển hình là Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam - trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm quốc gia, nơi tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Với diện tích 1.544ha, đây thực sự là một quần thể không gian cảnh quan đẹp, sơn thủy hữu tình của vùng đồi núi Sơn Tây. Đặc biệt, Khu du lịch Đồng Mô gồm sân golf Đồng Mô và một hồ nước 200ha được mệnh danh là "Vịnh Hạ Long trên cạn" với các hòn đảo giữa hồ nước trong lành, cảnh núi non hùng vĩ cùng các dịch vụ câu cá, ẩm thực theo phong cách dân tộc… thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai đam mê khám phá.
Không chỉ quan tâm đầu tư, hoàn thiện các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tín ngưỡng, từ nhiều năm trở lại đây, Sơn Tây chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể mà văn hóa lễ hội là minh chứng điển hình. Hằng năm, trên địa bàn thị xã có 73 lễ hội. Phần lớn là các lễ hội làng, tổ dân phố; riêng lễ hội Đền Và (phường Trung Hưng) là lễ hội vùng. Các lễ hội làng có nghi thức, phong tục gắn liền với việc thờ thành hoàng làng và sự tích vị thần được thờ, tạo thành những sắc thái, đặc điểm riêng biệt, hấp dẫn khách du lịch.
Sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Trong định hướng phát triển, Sơn Tây đang nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - tín ngưỡng, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện thực hóa mục tiêu này, thị xã đã quy hoạch 3 khu du lịch theo hướng sinh thái - nghỉ dưỡng - văn hóa (Khu du lịch Đồng Mô); khu du lịch trung tâm thị xã (gồm Thành cổ - Đền Và - Đường Lâm) và Khu du lịch Xuân Khanh.
Đến cuối năm 2013, ngành du lịch - dịch vụ thương mại chiếm 44,6% trong cơ cấu kinh tế của Sơn Tây; còn lại công nghiệp - xây dựng 48%, nông - lâm - thủy sản 7,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. Định hướng tới đây, du lịch - dịch vụ thương mại sẽ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của thị xã. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, cấp ủy, chính quyền Sơn Tây đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch như: Chương trình "Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, khôi phục, phát huy di tích gắn với phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ trên địa bàn thị xã Sơn Tây giai đoạn 2011 - 2015"; Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn từ năm 2013 đến 2020… nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế.
Đặc biệt, sau gần một năm triển khai thực hiện Đề án 359/ĐA-UBND ngày 12-10-2013 của UBND thị xã Sơn Tây về "Phát triển du lịch - dịch vụ - thương mại trên địa bàn giai đoạn 2012-2016, định hướng phát triển đến năm 2020" đã cho kết quả đáng mừng. Hàng loạt biện pháp được triển khai đồng bộ như tăng cường công tác quản lý; quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Thị xã đã xây dựng các tour tuyến tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng gắn với các danh lam thắng cảnh, khu du lịch; chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên hướng dẫn tham quan. Qua gần một năm thực hiện đề án, các cơ sở lưu trú tăng nhanh với cơ sở vật chất khang trang, đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch (xây mới 10 cơ sở lưu trú). Hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng với gần 90 cơ sở (812 phòng nghỉ) cũng đã được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu của du khách...
Tuy nhiên, bên cạnh những đổi thay về tư duy, cách làm du lịch, chính quyền và người dân nơi đây thừa nhận, các điểm du lịch của Sơn Tây chủ yếu là phục vụ du lịch trong ngày, du lịch tâm linh nên thời gian lưu lại và tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ của du khách còn ít. Do kinh phí có hạn, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch - dịch vụ còn hạn chế nên môi trường hoạt động du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khách.
Để tạo bước đột phá cho ngành du lịch, thị xã Sơn Tây sẽ nỗ lực hoàn thiện quy hoạch, tăng cường quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh và đẩy mạnh xúc tiến phát triển du lịch… Cùng với việc phát huy nội lực của mình, thị xã Sơn Tây mong muốn được UBND thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo tiền đề thu hút, kêu gọi các dự án, nhà liên doanh vào đầu tư để du lịch vùng đất cổ Sơn Tây thực sự trở thành điểm nhấn đặc biệt của du lịch Thủ đô.
Lượng khách du lịch đến với thị xã Sơn Tây ngày càng tăng: Năm 2012 đạt 1,4 triệu khách, năm 2013 đạt 1,51 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2020, định hướng năm 2030, Sơn Tây sẽ trở thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh. Nơi đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa - nghệ thuật - vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp của Thủ đô gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí, thể thao tại khu vực Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, hồ Đồng Mô, Suối Hai (Ba Vì)... và là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. |