Tập trung bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại Libya

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 05:46, 31/07/2014

(HNM) - Những ngày qua, tình hình chiến sự tại Libya diễn ra phức tạp, đặc biệt tại hai thành phố lớn Tripoli và Benghazi. Các nước có nhiều lao động tại Libya đã yêu cầu công dân rời khỏi nước này.



Chiều 30-7, phóng viên Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn nhanh qua điện thoại với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến về tình hình chiến sự cũng như công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại đây.

- Trước tiên, xin Đại sứ cho biết tình hình cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại Libya hiện nay ra sao?

- Theo con số mà Đại sứ quán Việt Nam tại Libya nắm được, đến thời điểm này ngoài 11 cán bộ, nhân viên và thành viên gia đình của Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Libya còn hơn 1.550 người (gồm 1 sinh viên, hơn 1.550 lao động và 2 thành viên gia đình của người lao động). Cộng đồng người Việt Nam làm việc và lao động tại các thành phố của Libya như: Tripoli, Misrata, Sirte, Qubbah, Ajdabya… Hiện chỉ có hơn 220 lao động đang làm việc tại hai thành phố đang có chiến sự là Tripoli (hơn 180 người), Benghazi (40 người). Phần lớn số anh em ở khu vực có xung đột vẫn đi làm việc, vì địa điểm làm việc và nơi ở chưa bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên cuộc sống khó khăn do bị cắt điện nước thường xuyên, thực phẩm do công ty cung cấp giảm, có nơi không mua được gaz, phải nấu ăn bằng củi. Hiện đã xuất hiện tâm lý lo lắng, hoang mang, dao động ở một số anh em. Số lao động ở những nơi chưa có chiến sự, anh em đi làm việc bình thường và đời sống vẫn được bảo đảm.

Những công dân Việt Nam đầu tiên rời khỏi Libya về nước.


- Vậy Đại sứ quán Việt Nam tại Libya có kế hoạch gì để hỗ trợ các công dân Việt Nam tại đây, thưa Đại sứ?

- Trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh ở Libya có những diễn biến phức tạp, căng thẳng và khó lường, nhất là chiến sự tại Benghazi, Tripoli tiếp tục diễn ra ác liệt, Đại sứ quán đã lên kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn cho trụ sở, cán bộ nhân viên cùng thành viên gia đình Cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại Libya. Đối với cán bộ nhân viên và thành viên gia đình Cơ quan đại diện, chúng tôi đã xây dựng lộ trình sơ tán. Đối với người lao động, Đại sứ quán thường xuyên liên lạc với đại diện lao động Việt Nam ở các đoàn để nắm tình hình; thông tin, giải thích, hướng dẫn anh em lao động về những vấn đề mà họ quan tâm. Chúng tôi đã khuyến cáo cộng đồng: Phải luôn cảnh giác, đề phòng, không tự tiện đi ra ngoài khu ở và nơi làm việc; thông báo kịp thời cho Đại sứ quán nếu khu vực xảy ra mất an ninh, an toàn cho người lao động. Đại diện người lao động phải thường xuyên liên lạc với chủ sử dụng lao động để nắm bắt tình hình, kế hoạch của họ, khi cần thiết yêu cầu họ thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.

- Hiện dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của lao động Việt Nam ở Libya. Vậy Đại sứ quán đã và đang làm gì để bảo đảm an toàn cho các lao động này?

- Đại sứ quán đã kiến nghị với các cơ quan hữu quan trong nước: Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phương án phù hợp; bảo đảm an toàn cho người lao động. Yêu cầu các chủ sử dụng lao động cam kết thực hiện đúng hợp đồng, nếu chủ là người nước ngoài khi rút thì đưa lao động Việt Nam về nước luôn (như trường hợp 206 lao động làm cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tại Misrata đã được đưa về nước khi chủ rút (rời Misrata tối 27-7); thuyết phục một số chủ sử dụng lao động (nhất là chủ người Libya) trong việc bảo đảm an toàn cho người lao động. Thứ hai, không tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang Libya thời điểm này. Thứ ba, các công ty Việt Nam đã đưa lao động sang Libya cần duy trì liên lạc với các công ty, chủ sử dụng lao động để nắm kế hoạch của họ. Ví dụ các công ty Hàn Quốc (đang sử dụng gần 800 lao động Việt Nam) đã lên kế hoạch cho các tình huống xấu có thể xảy ra; phối hợp giải quyết các vấn đề khi xảy ra chiến sự, mất an ninh, an toàn tại khu vực người lao động sống và làm việc.

Về phần mình, Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với các công ty, chủ sử dụng lao động Việt Nam trong việc giải quyết các thủ tục cần thiết để sơ tán người lao động đến nơi an toàn hay đưa về nước; dự kiến các phương án khi tình huống xấu xảy ra. Trước tiên, tập trung lo cho số lao động đang làm việc tại hai thành phố đang có chiến sự ác liệt là Tripoli và Benghazi; có thể tính đến phương án sơ tán số lao động này.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Trước diễn biến phức tạp do chiến sự tại Libya trong những ngày qua, chiều 30-7, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ các phương án bảo đảm an toàn cho lao động Việt Nam (LĐVN) đang làm việc tại Libya. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các phương án bảo đảm an toàn cho LĐVN tại Libya. Trước đó, ngày 29-7, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao đã có cuộc họp khẩn với các DN xuất khẩu lao động về vấn đề này.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong hai ngày 29 và 30-7, đã có 113 LĐVN làm việc tại Libya trở về nước an toàn. Số lao động này được bố trí ăn ở miễn phí (tại các công ty đã đưa lao động sang Libya), được hỗ trợ 1 triệu đồng/người tiền tàu xe để về quê. Trong các ngày từ 30-7 đến 2-8, mỗi ngày sẽ có hơn 30 LĐVN trở về nước.

Đại diện Công ty Vinamex, đơn vị có 762 LĐVN làm việc cho nhà máy điện thuộc Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) tại Libya cho biết, khu vực các lao động này làm việc hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi chiến sư; hầu hết LĐVN vẫn đi làm bình thường, nhận lương đầy đủ. Công ty Sona (có hơn 300 lao động tại Libya) cho biết, doanh nghiệp cũng thường xuyên liên lạc với người đại diện của mình tại Libya, sẵn sàng sơ tán lao động khi có tình huống xấu xảy ra.

Kim Vũ

Đình Hiệp