Kỳ vọng vào sự ổn định, phát triển

Thế giới - Ngày đăng : 05:53, 29/07/2014

(HNM) - Gần một tuần sau khi công bố (ngày 23-7), với sự phê chuẩn của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, bản Hiến pháp lâm thời của Thái Lan do Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia (NCPO) soạn thảo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trong dư luận xứ Chùa vàng.


Cùng với kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử được đưa ra trước đó, sự kiện chính quyền quân sự do tướng Prayuth Chan-ocha lãnh đạo công bố Hiến pháp lâm thời tiếp tục cho thấy quyết tâm của người Thái trong nỗ lực đưa quốc gia Đông Nam Á này sớm trở lại ổn định sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng.

Là Hiến pháp lâm thời đầu tiên sau cuộc đảo chính quân sự (ngày 22-5), bản Hiến pháp thứ 19 này của Thái Lan có nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, điểm được nhiều người quan tâm là ân xá cho những người thực hiện cuộc đảo chính vừa qua khi trao cho người đứng đầu NCPO - tướng Prayuth Chan-ocha - quyền hợp pháp được ban hành các mệnh lệnh khi cần thiết. Hiến pháp lâm thời cũng quy định NCPO sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và hoạt động song song với chính phủ tạm quyền cho tới khi Hiến pháp mới được công bố, dự kiến vào tháng 7-2015. Một điểm đáng chú ý nữa là Hiến pháp lâm thời quy định NCPO tiếp tục nắm giữ quyền lực cao nhất trên chính trường Thái Lan khi Chủ tịch NCPO có quyền đề cử thủ tướng, xem xét nhân sự của cơ quan lập pháp cũng như can thiệp sâu vào nhiều vấn đề quan trọng và toàn quyền trong vấn đề an ninh quốc gia.

Người dân Thái Lan quen dần với hình ảnh lực lượng quân đội bảo đảm an ninh trên đường phố.



Với 48 chương, Hiến pháp lâm thời cũng quy định việc thành lập Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA), nội các lâm thời, Hội đồng Cải cách quốc gia cũng như một ủy ban sẽ soạn thảo Hiến pháp chính thức. Theo quy định, NLA bao gồm 220 thành viên có quyền bỏ phiếu thông qua một nội các lâm thời gồm 36 thành viên với người đứng đầu là thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên, NLA không có quyền hạn đầy đủ như Quốc hội. Hệ thống tư pháp gồm tòa án, viện công tố và các cơ quan độc lập giữ nguyên như trước cuộc đảo chính quân sự. Hiến pháp lâm thời cũng quy định thành lập Hội đồng Cải cách quốc gia với 250 thành viên sẽ làm các nhiệm vụ cải cách sâu rộng các vấn đề về chính trị, xã hội, kinh tế...

Ngày 28-7, ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh các cuộc biểu tình đường phố kéo dài nhiều tháng ở Thái Lan đã ra hầu tòa để phản bác cáo trạng giết người liên quan tới cuộc trấn áp đẫm máu những người ủng hộ phe "áo đỏ" đối lập cách đây 4 năm. Ông Suthep từng giữ chức Phó Thủ tướng trong thời gian xảy ra cuộc trấn áp năm 2010, làm hơn 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại trung tâm thủ đô Bangkok.

Như vậy, sau hai tháng kể từ khi nổ ra cuộc đảo chính quân sự, Thái Lan đã có một hiến pháp nhằm duy trì sự ổn định dù được xem là tạm thời. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động lập pháp, hành pháp cũng như tiến trình cải cách tại nước này trong những ngày tới. Sự kiện Hiến pháp lâm thời được ban bố và có hiệu lực là khởi điểm của bước thứ hai trong lộ trình 3 bước mà chính quyền quân sự do tướng Prayuth Chan-ocha lãnh đạo công bố sau đảo chính. Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, Hiến pháp lâm thời đáp ứng phần lớn các yêu cầu của người biểu tình ở Bangkok khi yêu cầu thành lập một ủy ban độc lập để điều hành đất nước và thực thi các cải cách chính trị sâu rộng trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới. Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền quân sự kiểm soát hầu hết quyết định của chính phủ lâm thời sẽ làm nảy sinh việc chồng lấn quyền lực.

Sau sự kiện Hiến pháp lâm thời được ban bố, nhiều chuyên gia dự đoán đây là bước pháp lý cần thiết để mở đường cho thủ lĩnh đảo chính - tướng Prayuth Chan-ocha được lựa chọn làm thủ tướng của chính phủ lâm thời. Nếu "kịch bản" này xảy ra, tướng Prayuth Chan-ocha sẽ nắm cả vị trí thủ tướng lẫn người đứng đầu chính quyền quân sự. Mặt khác, tướng Prayuth Chan-ocha hiện vẫn là Tư lệnh Lục quân, nhưng sẽ đến tuổi nghỉ hưu vào cuối tháng 9-2014. Câu hỏi được dư luận Thái Lan quan tâm hiện nay là liệu ông Prayuth Chan-ocha có thể kiêm cả 3 vị trí: Thủ tướng, người đứng đầu NCPO và Tư lệnh Lục quân cùng một lúc hay không? Nếu trường hợp này xảy ra thì mọi thứ sẽ nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của quân đội Thái Lan.

Vẫn còn sớm để khẳng định Hiến pháp lâm thời sẽ nhanh chóng giải quyết được những bất đồng sâu sắc về lợi ích giữa các đảng phái ở Thái Lan. Song đây vẫn là tín hiệu tích cực trên chính trường Thái Lan trong bối cảnh hiện nay. Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Hành chính - Phát triển quốc gia Thái Lan vừa công bố cho thấy, gần 80% trong số hơn 1.200 người được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ việc cùng tồn tại song song 2 thể chế chính trị để điều hành đất nước: Quân đội và nội các. Điều tra dư luận cũng cho thấy, có đến 66% số người được hỏi cho biết họ hài lòng hơn với cuộc sống hiện tại so với trước khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự. Hy vọng rằng Hiến pháp lâm thời cùng với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 10-2015 sẽ góp phần đưa đất nước Chùa vàng ổn định và phát triển như mong đợi của người dân nước này.

Đình Hiệp