Giải pháp khơi thông dòng chảy thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 28/07/2014

(HNM) - Việc sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đã, đang được triển khai ngày càng rộng hơn, trong đó bao gồm cả việc vận động các DN chủ động sử dụng nguyên, vật liệu và sản phẩm của nhau.



Đây là một giải pháp nhằm giải quyết nhu cầu đầu ra, nhất là trong bối cảnh nhiều DN rơi vào cảnh tồn đọng sản phẩm. Đáng mừng là vấn đề này đang được cộng đồng DN hưởng ứng với tinh thần tự giác…

Tạo sức mạnh của chuỗi sản xuất

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều DN nhất là các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động, tăng cường sử dụng hàng hóa của nhau và đã thu được hiệu quả rõ rệt. Nhiều sản phẩm, hàng hóa đã lan tỏa rộng rãi trên thị trường; từ đó góp phần giảm giá thành phẩm cũng như hạn chế việc nhập khẩu hoặc phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ. Nhìn chung, việc dùng hàng nội thay thế hàng ngoại đã phát huy tác dụng nhiều mặt, nhất là bảo đảm duy trì sản xuất tại các DN, duy trì việc làm cho người lao động cũng như ổn định an sinh xã hội trên diện rộng…

Hầu hết các DN đều tự giác tìm đến nhau với mong muốn ưu tiên sử dụng hàng nội, tạo ra thế vững chắc và sức mạnh của chuỗi sản xuất nội địa. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thỏa thuận gói cung ứng than cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); hoặc TKV mua săm lốp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để trang bị cho các phương tiện vận chuyển than. Trong khi đó, Tổng Công ty Giấy sẵn sàng đặt mua vật tư, nguyên liệu đầu vào của các DN thành viên với trị giá tới 250 tỷ đồng. Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam đã cung cấp 60% phụ tùng cho Công ty Honda Việt Nam…

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đầu tư dây chuyền sản xuất trang phục bảo hộ lao động (BHLĐ) rất bài bản, có tính thẩm mỹ và chất lượng phù hợp với yêu cầu của nhiều DN và xác định đây là mục tiêu lâu dài, liên tục của mình. Trước đây, tập đoàn chưa khai thác được thị trường này; trong khi đó, hầu hết DN khác lại luôn phải mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường, với chất lượng nhìn chung không đạt tiêu chuẩn và giá cả thì như… "trên trời". Qua những thực tế trên, các bên cung - cầu đã tìm gặp nhau, tạo ra thế hợp tác đáng tin cậy, cùng có lợi. Các đơn vị như: Tập đoàn EVN, TKV, Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu

Việt Nam (Petrolimex)… đã được Vinatex cung cấp khoảng 150.000 bộ trang phục BHLĐ, từ đó giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho hàng nghìn lao động trong ngành. Được biết, các đơn vị trong ngành dệt may cũng đang nỗ lực, đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, cố gắng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tập trung vào việc cung cấp nguyên, phụ liệu như sợi, vải hoàn tất, phụ tùng máy móc trong dây chuyền sản xuất.

… và nguyên tắc bình đẳng, tự giác

Các chuyên gia cho rằng, việc ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp sản phẩm của giới DN là trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo ra sự sôi động và khơi "dòng chảy" của thị trường. Qua đó, mỗi đơn vị đã tạo nên niềm tin với nhau để từ đó huy động các nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Thêm nữa thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác, mua bán sản phẩm DN trưởng thành hơn, vươn lên làm chủ thị trường nội địa cũng như có thể gia tăng sức cạnh tranh với DN nước ngoài.

Được biết, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, để phát huy những hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một số DN cũng xác nhận, cần có quan điểm về việc ưu tiên sử dụng hàng nội một cách đúng đắn là "ưu tiên" nhưng không dễ dãi, chấp nhận theo kiểu duy ý chí hoặc miễn cưỡng; phát hiện và từ chối những đơn hàng, mặt hàng không bảo đảm chất lượng, giá cao bất hợp lý. Mỗi đơn vị phải tự giác tìm hiểu và chấp hành nguyên tắc, quy định của Nhà nước về quản lý, như thực hiện giao dịch thương mại bình đẳng, xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, đúng tín hiệu và thực tiễn trên thị trường; đặc biệt là tổ chức đấu thầu công khai bảo đảm đúng mẫu mã và chất lượng hàng hóa để cạnh tranh bình đẳng, phòng tránh tiêu cực… Bản thân các DN cũng xác định cách hành xử là tôn vinh sản phẩm tốt như một sự thúc đẩy tính tự giác và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị.

Hiện, Việt Nam có đội ngũ DN gồm hơn 500.000 đơn vị, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực và cho ra đời hàng trăm nghìn loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Đó là nguồn lực lớn và cần được khai thác hợp lý, trong đó có sự đồng thuận tham gia của giới DN thông qua việc ưu tiên sử dụng hàng hóa của nhau. Thiết nghĩ, đó là một cách phát huy nội lực thiết thực.

Anh Minh