Siết chặt quản lý phòng khám tư nhân: Vẫn chỉ là… khẩu hiệu?
Xã hội - Ngày đăng : 06:26, 28/07/2014
Mặc dù tình trạng "cứ kiểm tra là ra sai phạm" không mới, nhưng điều đáng nói là vấn đề siết chặt quản lý PK tư dường như vẫn chỉ là khẩu hiệu… trên giấy. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại, nếu không có cách quản lý hiệu quả hơn thì người dân sẽ tiếp tục "tiền mất, tật mang" khi đặt cược sức khỏe của mình vào các PK tư.
Quản lý các phòng khám tư nhân là hết sức cần thiết để tránh cho người dân rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Ảnh: Thái An |
Xử phạt lại… tái phạm
Để siết chặt quản lý hệ thống PK tư trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, ngay ngày đầu ra quân (24-6), đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm tại PK đa khoa của Công ty cổ phần Y tế Vip 12 (địa chỉ tầng 3, tòa nhà Hòa Phát, số 257 đường Giải Phóng, quận Đống Đa). Cụ thể, PK không có phòng tiểu phẫu, phòng cấp cứu không đạt tiêu chuẩn… Ngoài 4 chuyên khoa được Sở Y tế cấp phép, gồm: Nội, Nhi, Hóa sinh và X Quang, PK đã hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép, đó là tổ chức khám, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, tai mũi họng, nội soi, siêu âm, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm huyết học.
Ngày 5-7, đoàn kiểm tra của Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất 3 PK tư (gồm PK 189; PK 181 và PK 173) nằm trên đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng. Qua kiểm tra cho thấy, diện tích các PK này đều quá chật, sắp xếp không khoa học, dụng cụ y tế không bảo đảm vô khuẩn, tủ thuốc cấp cứu không đủ theo danh mục, nhất là phân loại và xử lý chất thải không đúng quy định. Riêng PK 189 - chuyên sản phụ khoa đã bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép do quảng cáo quá phạm vi cho phép. Mặc dù không được cấp phép làm xét nghiệm nhưng PK này vẫn ngang nhiên thực hiện các xét nghiệm và đăng quảng cáo.
Ngày 8-7, đoàn kiểm tra do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên làm trưởng đoàn tiếp tục phát hiện PK trên phố Kim Mã, quận Ba Đình thuộc Công ty cổ phần Y dược Phú Gia Khang đã sử dụng máy Novo điều trị xung tần nhưng không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ, thiết bị này cũng chưa được đăng ký trong giấy phép hoạt động của PK. Ngoài ra, 2 bác sĩ làm việc tại đây chưa thực hiện đăng ký hành nghề. Theo bà Lưu Thị Liên, PK đã hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn cho phép khi thực hiện liệu pháp "Truyền ngược tự thân" trong điều trị bệnh gan. Liệu pháp này chưa được Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép. Ngoài ra, PK chưa xuất trình được hóa đơn về thuốc và dịch truyền.
Còn nhớ, vào tháng 8-2013, nói trên đã bị ngành chức năng "sờ gáy" và bị xử phạt 23 triệu đồng với nhiều sai phạm, như: Bác sĩ chữa bệnh trực tiếp cho bệnh nhân chưa được cấp phép; máy sục ozone (liệu pháp ozone) không có trong hồ sơ thẩm định cấp phép hoạt động; in ấn, quảng cáo trang thiết bị y tế, phương pháp chữa bệnh... trong y bạ của bệnh nhân không đúng với thực trạng của PK... Câu chuyện "xử phạt lại tái phạm" ở PK này khiến dư luận liên tưởng đến sự việc xảy ra tại PK Maria (Thái Thịnh - Hà Nội) cách đây 2 năm. Vào ngày 14-7-2012, một bệnh nhân đã tử vong do sốc phản vệ sau khi được bác sĩ Trung Quốc tại PK Maria thực hiện đốt lộ tuyến cổ tử cung và truyền, tiêm một số loại thuốc. Theo Sở Y tế Hà Nội, kể từ khi được cấp phép (từ ngày 30-12-2010) đến khi xảy ra sự việc đáng tiếc trên, PK Maria bị kiểm tra 4 lần và cả 4 lần đều phát hiện sai phạm. Ngay từ lần kiểm tra đầu tiên, cơ quan chức năng đã phát hiện bác sĩ Trung Quốc hành nghề "chui" tại PK này.
Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống cơ sở y tế tư nhân. Ảnh: Sơn Hà |
Quản lý thế nào hiệu quả?
Không thể phủ nhận rằng, hệ thống y tế tư nhân đã góp phần không nhỏ trong công tác khám, chữa bệnh của người dân, giảm tải tại bệnh viện công lập. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã ứng dụng kỹ thuật cao, cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Tuy nhiên, cơ sở y tế tư nhân đã và đang bộc lộ những mặt trái rất đáng lo ngại. Trên thực tế, không ít PK tư đã để xảy ra những vụ việc đau lòng do mải chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng đến vấn đề y đức.
Trên địa bàn Thủ đô, hệ thống y tế tư nhân vẫn đang là điểm "nóng". Các vi phạm của các PK tư thời gian qua vẫn chủ yếu do không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất khám, chữa bệnh; hoạt động ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, bác sĩ không có giấy phép hành nghề, hành nghề không đúng chuyên môn; PK không được cấp giấy phép hoạt động… Lý giải cho việc còn tồn tại quá nhiều sai phạm, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân là do lực lượng thanh tra quá mỏng so với số lượng PK cũng như số lượng công việc phải đảm nhiệm. Lực lượng thanh tra y tế trên toàn quốc hiện tại có 290 người. Trung bình mỗi sở y tế có 2-4 người, nhiều nhất là Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có 45 người, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội có 14 người.
Sự phát triển của hệ thống cơ sở y tế tư nhân là tất yếu. Vấn đề đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Để tăng tính hiệu quả, trong 6 tháng cuối năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm của Sở Y tế Hà Nội là tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hơn nữa hệ thống cơ sở y tế tư nhân. Thông qua kiểm tra, giám sát cần biểu dương các PK, nhà thuốc tư nhân hoạt động tốt, đồng thời xử phạt nghiêm những cơ sở chưa tốt, từng bước đưa việc khám, chữa bệnh vào nền nếp, theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Tổng hội Y học Việt Nam, hiện cả nước có 168 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 PK tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế, 29 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nước ngoài tham gia. Thời gian qua, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định của Bộ Y tế. Một số nhân viên y tế hành nghề ngoài giờ chưa thực hiện nghiêm túc về việc đăng ký khám, chữa bệnh. Trong khi đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý y tế và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ nên để xảy ra việc cơ sở hoạt động không phép gây tai biến cho người bệnh. |