Thúc đẩy tự do thương mại xuyên đại dương

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 28/07/2014

(HNM) - Vượt lên những hiềm nghi về điệp vụ nghe lén

Nếu Mỹ và EU ký kết Hiệp định TTIP sẽ tạo ra được hàng triệu việc làm mới.



Tại vòng đàm phán mới nhất này, hai bên đã thảo luận các vấn đề như tiếp cận thị trường cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ và các quy định đi kèm. Theo Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney, hai bên đã đạt được tiến bộ trong giải quyết bất đồng, đặc biệt trong việc thiết lập một cơ chế song song với cơ chế hiện có ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan tới việc trợ giúp các tập đoàn Airbus và Boeing. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero cho biết, việc phân tích mối quan ngại cũng như lợi ích của hai bên đàm phán sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 tới và Ủy ban Châu Âu (EC) nhiệm kỳ mới sẽ đánh giá kết quả cùng Nghị viện Châu Âu và các quốc gia thành viên EU để đưa ra quyết định cuối cùng.

Được khởi động cách đây 1 năm tại Washington, các cuộc đàm phán về TTIP gay go không kém dự án Hiệp định Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi không phải ai cũng ủng hộ tự do hóa thương mại giữa nền kinh tế hàng đầu thế giới với Cựu lục địa do cách nhìn nhận còn khác biệt về tự do thương mại. Hiện nay, khác với hầu hết các hiệp định thương mại tự do khác, trở ngại giữa Mỹ và EU không còn là thuế quan, vì gần như toàn bộ các dòng thuế đã xuống dưới mức 3% (trừ may mặc, pho ma, hoa và rau quả) mà thay vào đó là các khác biệt về quy định nội địa, những tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm của hai bên. Một số ý kiến cho rằng, hiệp định có thể giúp tạo những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, song sẽ tác động tiêu cực tới vấn đề việc làm ở EU và Mỹ. Điều này khiến các cuộc đàm phán TTIP không tạo được đột phá nào tại các cuộc đàm phán suốt hơn một năm qua. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là việc cho phép các nhà đầu tư khởi kiện các chính phủ ra tòa án quốc tế để được bồi thường nếu có bằng chứng rằng luật tự do thương mại bị vi phạm. Các ý kiến chỉ trích cho rằng, điều này có thể khiến các chính phủ sở tại e ngại nếu điều chỉnh một chính sách nghiêng về lợi ích cộng đồng có thể khiến một nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. Đó cũng là một trong những lý do khiến những người phản đối TTIP xuống đường biểu tình trên khắp nước Anh (ngày 13-7) ngay trước thềm vòng đàm phán lần thứ sáu.

Tuy vậy, các quan chức của cả EU và Mỹ đều khuyến nghị doanh nghiệp và người dân tin tưởng vào triển vọng tích cực của hiệp định tầm cỡ nhất thế giới có ảnh hưởng tới 820 triệu người tiêu dùng và 50% GDP toàn cầu. Các nền kinh tế Mỹ và EU chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. TTIP thành công sẽ là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất, là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Sở dĩ cả Mỹ và EU đều lạc quan về triển vọng TTIP còn bởi theo ước tính của EC, TTIP khi đi vào cuộc sống sẽ cộng thêm từ 0,5% đến 1% tăng trưởng GDP hằng năm cho nền kinh tế mỗi bên và tạo thêm hàng triệu việc làm mới, trước mắt là khoảng nửa triệu việc làm ở Châu Âu. Có nhiều ngành kinh doanh ở cả Mỹ và EU được hưởng lợi từ TTIP: Xóa bỏ thuế và quy định hạn ngạch nhập khẩu sẽ giúp doanh thu tại thị trường Mỹ của các hãng sản xuất xe hơi Châu Âu tăng mạnh. Các mặt hàng dược phẩm của Mỹ dễ dàng thâm nhập thị trường Châu Âu hơn do hệ thống cấp phép nghiêm ngặt và tốn kém của Châu Âu trong lĩnh vực dược phẩm được nới lỏng. Các nước EU cũng nhờ đó có thể giảm phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung khí đốt từ Nga, trong khi ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ cũng có thêm thị trường mới... Ðây rõ ràng là tin tốt lành đối với cả hai bờ Đại Tây Dương trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới vẫn ì ạch và nhiều nền kinh tế Châu Âu vẫn chìm sâu trong suy thoái và nợ công.

Mỹ và EU phải mất 12 năm để "thai nghén" ý tưởng chung về một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Ðể ý tưởng tự do thương mại xuyên đại dương thành hiện thực cần thời gian nhất định và phụ thuộc nhiều yếu tố, không thể hoàn tất trong một sớm, một chiều. Thế nên, đích đến đầy tham vọng là hoàn tất đàm phán TTIP cuối năm nay dường như sẽ không dễ thực hiện với cả hai bên Mỹ và EU.

Kim Phượng