Biển Hoàng Sa là nhà

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 28/07/2014

(HNM) - Với ngư dân Lý Sơn, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống. Việc đánh bắt, khai thác hải sản của ngư dân có tự bao đời nay, nhưng thành lập tổ đội, đóng tàu công suất lớn để vươn khơi thì mới hình thành vài chục năm gần đây.

Từ phiên đi biển đầu tiên…

Tiếp đoàn công tác của Hội Nhà báo TP Hà Nội ra Lý Sơn tặng quà cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn, những ngư dân can trường vươn khơi bám biển giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Phó Chủ tịch huyện đảo Phạm Hoài Linh ghé tai tôi nói nhỏ: "Nhà báo phải tìm viết về cặp đôi Thạnh - Lợi. Hai anh cũng được tặng quà trong dịp này".

Ông Nguyễn Lợi (trái) và ông Minh Thạnh bên những kỷ vật đầu tiên ra Hoàng Sa.


Thời gian trò chuyện với người dân ở UBND huyện không nhiều, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Minh Thạnh (60 tuổi) và Nguyễn Lợi (61 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải, trong căn nhà mái bằng khang trang.

Sau tuần trà, lôi trong tủ ra chiếc la bàn của Mỹ đã hư hỏng, cây đèn dầu, tấm bản đồ đi biển sờn cũ và chiếc thước kẻ với những vạch chia đã mờ theo thời gian, ông Thạnh nói: "Đó là tất cả dụng cụ để tổ đội chúng tôi căn chỉnh tọa độ ra Hoàng Sa". Rồi qua giọng kể của hai ông Thạnh - Lợi, câu chuyện về tổ đội của Lý Sơn ra Hoàng Sa dần tái hiện sinh động.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, nghề đánh bắt xa bờ ở huyện đảo Lý Sơn chưa phát triển. Ngư dân đi biển chủ yếu là bằng thúng chai, tàu gỗ có công suất nhỏ từ 5 đến 7 mã lực, đánh bắt cá gần bờ. Khi đó, ba chàng trai là Dương Minh Thạnh, Nguyễn Lợi và Dương Minh Chính (anh ruột ông Thạnh) bàn tính phải đóng tàu lớn để vươn khơi tới những ngư trường mà cha ông đã tới. Nhưng vốn ở đâu? Đó là điều trăn trở của mọi người, bởi thời điểm đó, hệ thống ngân hàng chưa lớn mạnh, chưa có cơ chế thông thoáng để hỗ trợ ngư dân như hiện nay. Để thực hiện quyết tâm của mình, anh em phải vay vòng của người thân, bạn bè và cả quan hệ xã hội... gom lại được 115 cây vàng. Có tiền, mọi người tìm đến Xưởng Đóng tàu Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

- Đó là xong một công đoạn quan trọng - ông Nguyễn Lợi trầm ngâm - Vì cả 3 đều không có một đồng nhưng vẫn quyết tâm thực hiện ấp ủ vươn khơi của mình. Cuối năm 1981 tàu đóng xong, chúng tôi sướng lắm. Dù món nợ còn chất chồng nhưng nhìn 3 chiếc tàu QNg 071 với 22 mã lực (ông Lợi), QNg 072 với 22 mã lực (ông Chính) và QNg 073 với 16 mã lực (ông Thạnh) to lớn nhất đảo, ai cũng muốn ra khơi.

Ngư dân Lý Sơn ra khơi đánh bắt cá. Ảnh: Trần Mai


Chọn ngày 16-2-1982, sau khi dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vài giờ, 3 tàu nổ máy khởi hành đến Hoàng Sa. "Hồi đó làm gì có icom, công cụ hiện đại dò bắt luồng cá như bây giờ" - ông Thạnh bảo - "Chúng tôi xác định hướng qua la bàn, việc di chuyển được tính toán kỹ trên bản đồ. May mắn sóng êm, biển lặng, đi một mạch 25 tiếng, tàu QNg 071 đến khu vực đảo Tri Tôn (ngư dân mình quen gọi là Bãi cát Vàng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ở đó cá nhiều vô kể, anh em neo tàu, quăng lưới đánh bắt. Chỉ với 3 mẻ lưới, các tàu đều đầy ắp cá chuồn. Phiên đi biển đầu tiên trúng lớn".

Sau một tuần đánh bắt ở Hoàng Sa, 3 tàu chở cá quay về cập cảng Sa Kỳ, nhưng cá nhiều, đầu nậu không mua hết, các tàu nổ máy ra Đà Nẵng để bán cá. Kết thúc phiên đi biển này, trừ mọi chi phí, mỗi người cũng lãi mấy cây vàng, trả bớt nợ nần.

…đến tình bạn sắt son ở Hoàng Sa

Được vài năm, vì một số lý do, ông Dương Minh Chính không tham gia nữa. Tổ đội chỉ còn đôi bạn Thạnh - Lợi. 32 năm bám biển, song hành cùng nhau, cặp đôi Thạnh - Lợi trải qua biết bao vui - buồn. "Nhiều lúc nghĩ rằng mình đã bỏ xác ngoài biển khơi" - ông Thạnh suy tư - "Nhưng lúc đó may mắn có người đồng đội hỗ trợ kịp thời, anh em mới thoát cơn hoạn nạn". Rồi ông Thạnh kể cho chúng tôi nghe lần đi biển đáng nhớ đó.

Đó là vào ngày 27-5-1991 (âm lịch), tàu ông Thạnh đang đánh bắt gần đảo Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa thì gặp cơn bão lớn. Gió cấp 15 xé tan tàu. May mắn, ông Thạnh và 12 thuyền viên bám được vào ngọn đèn hải đăng. Lương thực không có, anh em thuyền viên phải ăn cá sống, uống nước biển để tồn tại trong nhiều ngày. Sau đó, được tàu ông Nguyễn Lợi đi tìm, phát hiện rồi cứu vớt.

Chen ngang câu chuyện, bà Dương Thị Hựu (vợ ông Thạnh) rơm rớm nước mắt: "Chuyến đó, tôi và dân đảo nghĩ rằng ông ấy đã chết. Lúc tàu anh Lợi cập bến tôi không còn nhận ra chồng mình. Khi đi, ông ấy nặng hơn 70kg, khi về còn 34kg". Còn ông Nguyễn Lợi thì thủng thẳng nói: "Ông ấy chết thì lấy ai đi biển với tôi".

32 năm bám biển, cặp đôi Thạnh - Lợi không thể nhớ nổi đã bao lần cầm lái giong khơi. Mỗi năm có đến gần chục chuyến đi biển. Cứ vào bờ vài ngày, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, dầu máy là tàu lại rời bến. Hoàng Sa đã là nhà của đôi bạn này tự bao giờ. Ông Thạnh kể: "Kể từ lần đầu ra Hoàng Sa 32 năm trước, đến nay tôi đã làm thuyền trưởng 7 con tàu. Cứ chiếc này mất thì đóng chiếc khác. Mấy phen khốn đốn vì nợ nần chồng chất nhưng cũng may có người bạn đi biển luôn kề bên hỗ trợ".

Sát cánh cùng nhau trên biển, hai thuyền trưởng của Lý Sơn còn nhiều lần cứu ngư dân Trung Quốc. Ông Lợi kể, năm 1997, hai ông gặp một tàu của Trung Quốc bị nạn ở khu vực biển Hoàng Sa. Mình phải nhường gạo, nước uống để họ có lương thực, sau đó hai tàu tiến hành lai dắt, kéo tàu bị chết máy này vào đảo Xà Cừ. Cũng có những lần, khoang cá trĩu nặng hai ông đành phải bỏ để cứu giúp tàu cá của Trung Quốc gặp nạn... "Mình quan niệm, nếu ở biển gặp tàu thuyền bị nạn thì dù là ngư dân nước nào, khó khăn thế nào cũng phải giúp đỡ. Giúp người cũng là giúp mình" - ông Lợi nói.

Đến giờ hai ông vẫn là thuyền trưởng của những tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn. Nếu như trước, đôi bạn này thường đi lưới chuồn thì nay họ chuyển sang lặn hải sâm, bắt cá ngừ vi vàng, loại có giá trị xuất khẩu cao. Nghề đi biển đã mang lại gia đình đôi bạn cuộc sống khấm khá. Sáu người con (2 trai, 4 gái) của ông Lợi được ăn học đầy đủ, có sự nghiệp. Ba con gái đã lấy chồng và 1 con trai đã lấy vợ. Cậu út giờ đang học chế biến thực phẩm. Còn ông Thạnh có 5 người con (2 trai, 3 gái), trong đó có 2 chàng rể và 2 con trai nối nghiệp cha, đều là thuyền trưởng bám ngư trường truyền thống của mình. Điều vui mừng nhất của đôi bạn ấy là tình thông gia. Con trai lão thuyền trưởng Dương Minh Thạnh đã "đón" con gái lão ngư Nguyễn Lợi về cùng xây tổ ấm...

Chia tay hai ông Thạnh - Lợi, lắc mạnh tay chúng tôi, hai ông Nguyễn Lợi và Dương Minh Thạnh quả quyết: "Chúng tôi sẽ bám biển, bám đảo ngoài khơi xa của Tổ quốc cho đến khi nào sức mình không thể đi được nữa. Hoàng Sa đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc sống của mình rồi".

Thanh Hải