Tri ân bằng trách nhiệm công dân và trái tim nhân ái

Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 28/07/2014

(HNM) - Hàng vạn ngọn nến lung linh đã được thắp lên trên hơn hai nghìn nghĩa trang liệt sĩ suốt chiều dài đất nước, hàng triệu ngọn nến khác cũng đã được thắp lên trong trái tim người dân nước Việt.

Xúc động và tự hào, đất nước nghiêng mình trước anh linh của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân.

Đất nước "bao năm chiến tranh", mỗi tấc đất thiêng liêng đều nhuộm thắm máu đào của những người con nước Việt. "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người có công với nước là đạo lý dân tộc, là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhưng trong quá trình thực hiện, đâu đó vẫn để lại những nỗi day dứt, những câu hỏi về trách nhiệm như đang bỏ ngỏ không với riêng ai.

1. Số phận nghiệt ngã của một đất nước có vị trí địa lý đặc biệt và tinh thần quật cường của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục đã đưa những người con trai, con gái Việt Nam bước vào những cuộc chiến tranh vệ quốc với khát vọng cháy bỏng: Khát vọng hòa bình! Trong thế kỷ XX, cả dân tộc đã đứng lên để làm nên một Mùa thu Tháng Tám, rồi chín năm kháng chiến trường kỳ đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc. Sau đó là cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình chưa kịp phôi thai, những người con nước Việt lại ra chiến trường khi bè lũ diệt chủng Pôn Pốt tàn sát đồng bào dọc dải đất biên giới Tây Nam và tháng 2 năm 1979, tiếng súng lại vang trên biên giới phía Bắc… Hàng triệu người đã ra chiến trường, hàng chục vạn người đã không bao giờ trở lại. Nhưng khi Tổ quốc cần, những người con nước Việt sẽ lại cầm súng lên đường đi giữ nước.

Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thực, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa. Dân tộc Việt Nam là vậy, tính cách Việt Nam là vậy. Những chàng trai cô gái Việt Nam đi vào chiến trường với một tinh thần quật cường và một trái tim dung dị: Đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù. Không thể tính được bao nhiêu tuổi xuân phơi phới đã gửi lại chiến trường, không biết có bao nhiêu giấc mơ đã tan biến vào cát bụi. Chiến tranh là đạn bom, khói lửa, chết chóc, đau thương, nhưng không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn cản được sức mạnh lòng yêu nước đã trở thành ý chí sắt đá của toàn dân tộc. Tổ quốc cần, những bà mẹ Việt Nam lại tiễn con đi, những tình yêu lại biến thành nỗi nhớ, những đoàn quân lại lên đường viết tiếp bài ca của "một thời hoa đỏ" không thể nguôi quên.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, những tượng đài tôn vinh lòng quả cảm đã được dựng lên trên những mảnh đất xưa kia là chiến trường và trong trái tim của lớp người trẻ tuổi hôm nay, nhưng nỗi đau vẫn còn đó trong tâm thức mỗi người. Di ảnh của những người ngã xuống trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trên ban thờ của mỗi gia đình, mỗi dòng tộc luôn nhắc nhở mỗi người nhớ về một thời bi tráng, một thời hào hùng. Chiến tranh đã cướp đi của mẹ Đào Thị Rền (Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) người con trai mà mẹ yêu quý nhất - liệt sĩ Nguyễn Văn Thảo (hy sinh năm 1972 tại Quảng Ngãi). Nhiều lần, mẹ cùng gia đình cất công vào chiến trường xưa để tìm mộ người con, nhưng vẫn biệt vô âm tín, giờ đây đã ở cái tuổi "gần đất xa trời", mẹ nói: Chỉ mong muốn tìm được hài cốt người con để đưa về quê an táng mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Nhưng mẹ cũng nói với phóng viên Báo Hànộimới: Nếu đất nước bị kẻ thù xâm lược, nếu còn có những người con khỏe mạnh, mẹ vẫn động viên tất cả ra chiến trường. Những người mẹ Việt Nam có trái tim nhân hậu, có tấm lòng nồng nàn như mẹ Đào Thị Rền chính là điểm tựa tinh thần to lớn, đưa đất nước vượt qua các cuộc trường chinh.

Trên dải đất hình chữ S bên bờ Biển Đông này, vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ nằm dưới những cánh rừng, những lòng sông, hoặc hòa tan vào biển lớn. Hàng trăm nghìn liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt nhưng chưa xác định được tính danh. Khi họ chưa về, nỗi khắc khoải vẫn còn đó trong gia đình, người thân, nỗi dằn vặt vẫn nghèn nghẹn trong bạn bè, đồng đội và trong mỗi người là những khoảng trống vắng mỗi khi tháng bảy về, để nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm công dân, trách nhiệm làm người. Tri ân những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần xương máu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, những người mẹ, người vợ đã âm thầm nuốt nước mắt trong sự mong mỏi, khổ đau là trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt. Trách nhiệm ấy cần xuất phát từ mỗi trái tim để lan tỏa những tấm lòng nhân ái và hình thành một lối ứng xử nhân văn trong xã hội.

2. Nhiều năm qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, hay những lúc đất nước còn bao cấp khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với người có công. Những năm gần đây, mỗi năm ngân sách trung ương dành tới hơn chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, chưa kể ngân sách các địa phương và sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể... "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành một phong trào rộng khắp, có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân với nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm... Những hoạt động tri ân trong tháng bảy này là minh chứng rõ nét nhất, sinh động nhất cho sự trường tồn của đạo lý "uống nước nhớ nguồn" trong lòng dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để đạo lý ấy trở thành một mạch nguồn, khơi dậy trách nhiệm và lòng nhân ái qua những việc làm cụ thể của mỗi con người thì vẫn còn nhiều điều rất đáng suy nghĩ.

Gần đây, báo chí đưa tin, hồ sơ phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng của một bà mẹ là thương binh, là vợ liệt sĩ từ năm 30 tuổi, mất cả hai con trai khi đang làm giao liên cho cách mạng, nhưng chưa được các cơ quan chức năng thông qua vì mẹ đã tái giá nên phải chờ thủ tục hướng dẫn. Những quy định hành chính là cần thiết, bởi nó bảo đảm cho sự vận hành của một xã hội văn minh. Tuy nhiên, việc thực thi nghiêm túc những quy định của pháp luật, không thể đồng nghĩa với việc khơi thêm nỗi đau trong mỗi con người, nhất là với những bà mẹ đã chịu đựng quá nhiều mất mát như trường hợp nêu trên. Bởi lẽ, suy cho cùng quy định của luật pháp là nhằm hướng con người đến những giá trị nhân văn đích thực, làm ấm áp tình người trong một xã hội nhân ái, văn minh. Do vậy, không thể quá cứng nhắc trong quy định và thực hiện quy định, để rồi biến tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành hành động vô cảm, đi ngược lại đạo lý dân tộc.

Cũng trong những năm qua, báo chí không ít lần đưa tin về những tiêu cực trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng ở nhiều địa phương. Có không ít kẻ đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta đối với người có công để trục lợi, trong khi đó, còn biết bao người đã phải chịu đựng những hy sinh, mất mát trong chiến tranh không được, hoặc chỉ được hưởng một phần chế độ đãi ngộ. Đây là một câu chuyện đau lòng và rất đáng phải suy nghĩ về hai chữ: trách nhiệm. Vậy nên việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm (2014-2015) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ đây sẽ là cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công với cách mạng; đồng thời phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách để điều chỉnh, khắc phục các sai sót. Ước tính khoảng 4,8 triệu người trong diện rà soát, công việc không đơn giản, rất dễ xảy ra tình trạng quan liêu, cảm tính, thậm chí tiêu cực, nhưng đây là đòi hỏi tất yếu xuất phát từ đạo nghĩa dân tộc, từ trách nhiệm công dân của mỗi người Việt Nam nên phải làm và làm thật tốt.

Có lẽ sống làm sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường là hình thức tri ân thiết thực nhất. Những hy sinh mất mát của ngày hôm qua không gì khác hơn là để có hòa bình, độc lập, cơ hội phát triển cho đất nước hôm nay, bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy tri ân các bậc tiền nhân bằng những việc làm cụ thể từ mỗi vị trí công việc trong xã hội. Bởi lẽ đền ơn đáp nghĩa cũng là hướng đến đạo lý làm người. Mỗi người cần làm trọn bổn phận công dân, biết cống hiến, biết uống nước nhớ nguồn, có tự trọng và lòng nhân ái.

3. Chiến tranh tàn khốc đã qua đi nhưng những âm mưu thôn tính lãnh thổ của các thế lực thù địch vẫn chưa lúc nào nguội tắt, biển cả của chúng ta vẫn ngày đêm nổi sóng và những con trai, con gái thế hệ mới lại lên đường. Là người dân nước Việt, chúng ta hiểu hơn ai hết cái giá của nền hòa bình hôm nay. Những ngọn nến lung linh trên các phần mộ liệt sĩ trải dài theo hình đất nước đang nhắc nhở chúng ta về một thời bi tráng của dân tộc, về khát vọng hòa bình, về trách nhiệm công dân và trách nhiệm làm người - người yêu nước.

Cù Xuân Trường