Muộn còn hơn không

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 28/07/2014

(HNM) - Vừa rồi, tại TP Hồ Chí Minh xảy ra vụ xâm hại trẻ em tại một cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ, lần này là đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Với nhiều người, khi tiếp cận thông tin về vụ việc, đó có thể là lần đầu tiên họ quan tâm đến loại khuyết tật này.

Theo bố cáo của Liên hợp quốc, tự kỷ là một loại khuyết tật do rối loạn hệ thần kinh, gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ - một loại khuyết tật có khả năng theo đuổi trẻ suốt đời nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Ở Mỹ, theo khảo sát vào năm 2009, cứ 110 trẻ em thì có 1 trẻ chịu ảnh hưởng của bệnh tự kỷ, cứ 50 gia đình thì có một gia đình phải chăm sóc trẻ tự kỷ. Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu đủ mức cần thiết về hội chứng tự kỷ, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ cũng chưa được thống kê một cách đầy đủ dù gần đây có nơi đưa ra con số 200.000 trẻ đã mắc. Tuy nhiên, đa số chuyên gia đưa ra nhận định rằng, ở Việt Nam, số trẻ tự kỷ có xu hướng gia tăng và cần phải có giải pháp cho vấn đề này một cách nghiêm túc... Tình hình nghiêm trọng tới mức vào năm 2007, Liên hợp quốc đã chọn ngày 2-4 là Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ và ra một chuyên trang về chứng bệnh này.

Khả năng nhận biết của cộng đồng về bệnh tự kỷ khá lơ mơ, đa số không phân biệt được biểu hiện của bệnh này so với các biểu hiện rối nhiễu cảm xúc, thần kinh thông thường, chậm phát triển trí tuệ. Có những trường hợp trẻ mắc bệnh mà bố mẹ không biết, bỏ qua "giai đoạn vàng" của việc chữa trị - được cho là từ 18 đến 36 tháng tuổi. Nhiều người nhầm là tự kỷ có nguyên nhân từ cách giáo dục, chăm sóc không phù hợp của gia đình, không tin vào nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh mang tính bẩm sinh cũng như vai trò của việc phát hiện bệnh sớm. Trong khi đó, điều đáng chú ý là hệ thống giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ ở nước ta hiện vẫn trong tình trạng sơ khai, còn mang tính tự phát. Hiện nay, ở một vài nơi, có thể thấy sự xuất hiện của các điểm chăm sóc trẻ tự kỷ (chung với trẻ mắc một số hội chứng khác, theo cách nói thường thấy là "đao", "thiểu năng"…), chủ yếu theo kiểu "có cầu thì có cung" và sự hình thành của các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tự kỷ thường không cho thấy tính chuyên nghiệp - liên quan đến chế độ dinh dưỡng, phương pháp giáo dục, chất lượng đội ngũ nuôi dạy trẻ.

Theo nhà quản lý và các chuyên gia về giáo dục, y tế, hiện chúng ta chưa có phương án điều trị thực sự hiệu quả cũng như còn thiếu phương pháp giáo dục, chăm sóc mang tính quy chuẩn đối với trẻ tự kỷ, ngay cả các văn bản pháp quy cũng thiếu nội dung dành riêng đối với trẻ tự kỷ trong nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Với các gia đình có trẻ mắc hội chứng này, việc phát hiện bệnh đã khó, việc tiếp cận các loại hình dịch vụ cần thiết để chăm sóc trẻ một cách hiệu quả lại càng khó hơn. Nhiều gia đình đã chọn cách lên mạng tìm người giúp đỡ, thuê người về nhà chăm sóc trẻ dù không thể biết người mà mình chọn đã qua đào tạo bài bản và có đủ trình độ chuyên môn hay không.

Đã đến lúc các ngành liên quan, quan trọng nhất là lao động - thương binh và xã hội, y tế, giáo dục, cần phải sớm phối hợp đề ra chương trình hành động đủ mức đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, bao gồm việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên cho các trung tâm cung cấp dịch vụ chuyên sâu về tự kỷ, hình thành và tăng cường giám sát hoạt động của các cơ sở chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, xây dựng bộ tài liệu về kỹ thuật chăm sóc trẻ tự kỷ cũng như đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp các gia đình hiểu rõ cách phát hiện bệnh sớm, tìm kiếm cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp…

Dục Tú