Trò chơi toán học cho trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 27/07/2014
Người ta đã phân dạng những trò chơi toán học theo lứa tuổi để đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Chẳng hạn, những trò chơi mà các em được khuyến khích chơi là chọn một hình khác màu so với các hình có trong hình vẽ. Tương tự là trò chơi chọn một hình khác kích thước, khác hình dáng hoặc chọn hai hình cùng loại. Loại toán đố này rất đa dạng và phong phú về màu sắc, đồ vật… đồng thời rất hấp dẫn đối với trẻ. Ở những lớp lớn hơn, trò chơi toán học được phân dạng theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, người ta phân chia theo những chủ đề sau:
1) Câu đố với hình khối như soma, omio.
2) Câu đố ghép hình như tangram.
3) Câu đố di chuyển tuần tự, kiểu như khối rubik.
4) Câu đố di chuyển vị trí quân bài như solitaire.
5) Câu đố đồ thị như tìm đường ra trong mê cung.
6) Câu đố số và logic như IQ.
7) Câu đố từ bàn cờ như cờ vua, cờ tướng, các thế cờ hoặc cách đặt các quân cờ vào một bàn cờ thỏa mãn một điều kiện cho trước.
8) Câu đố về gấp và cắt giấy.
9) Câu đố về ô chữ, nối các chữ hoặc tìm từ có nghĩa trong một bảng các chữ cái. Một dạng khác là sodoku.
Một số dạng câu đố trên đã xuất hiện từ thời cổ đại và được chơi ở nhiều nơi, dưới các cách khác nhau. Chúng ta cùng điểm một số thành tựu toán học nổi bật xuất phát từ những trò chơi toán học. Thứ nhất là bài toán tìm x, một dạng toán có từ hơn 2400 năm trước như tìm số đo một cạnh của hình vuông khi biết số đo diện tích. Tiếp sau là bài toán tìm số tự nhiên thỏa mãn một biểu thức, như nhà toán học cổ đại Diophante đã giải ở thế kỷ thứ II. Cứ phát triển dần như vậy, đến thế kỷ XVI, các nhà toán học Italia mới giải được bài toán cấp cao hơn liên quan đến thể tích. Khoảng năm 1550, công thức Cardano được thiết lập để giải bài toán này. Cách làm là tìm cách chuyển nó về dạng dễ hơn, giống như bài toán tìm cạnh khi biết diện tích hình vuông. Đó cũng là nguồn gốc của phương pháp lặp mà sau này có nhiều ứng dụng, chuyển bài toán từ dạng khó về bài toán dễ hơn và cứ thế đưa về bài toán đơn giản. Năm 1857, Hamilton (1805 - 1865), một nhà toán học người Ireland đã tạo ra câu đố Icosian. Bài toán là sự mở đầu cho lý thuyết đồ thị trong toán học, với ý tưởng là tìm các cách đi qua 12 đỉnh của một hình có 20 mặt mà mỗi đỉnh chỉ đi qua đúng một lần. Tiếp sau, khoảng năm 1870, các câu đố của trò chơi toán học được nhà phát minh người Mỹ Sam Loyd đưa ra đã cuốn hút một lượng rất lớn những người cùng tham gia giải ở Mỹ. Năm 1883, bài toán Tháp Hà Nội được giải bởi nhà toán học người Pháp Lucas (1843 - 1891). Lời giải bài toán cũng thể hiện tư duy lặp và là một bài toán kinh điển trong lập trình tin học sau này. Năm 1920, khối lập phương Mayblox được nhà toán học người Anh là MacHahon (1854 - 1929) tìm ra. Ý tưởng của trò chơi là tìm cách tô màu sáu mặt của khối lập phương theo các cách khác nhau. Nhắc đến trò chơi toán học, nổi tiếng nhất phải kể đến khối rubik từng làm hàng trăm triệu người đam mê.
Kết quả kỳ trước: Có 3 cách cắt tiếp con xúc xắc để có thể trải phẳng nó ra.
Kỳ này: Em hãy viết tiếp số sau trong dãy số (bài toán IQ): 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.