Những “vận động viên chính sách” của Hà Nội

Thể thao - Ngày đăng : 06:23, 27/07/2014

(HNM) - Nhiều người trong số họ coi việc tham gia CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội như lần nhập ngũ thứ hai trong đời.

VĐV Vũ Đăng Chí (bên phải).


1. Chủ nhiệm CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội Ngô Anh Tuấn vẫn nhớ mãi lần "trót dại" khi phục vụ các VĐV là thương binh đang tập luyện tại CLB mà mình phụ trách. Chuyện cách đây đã hơn hai chục năm, lúc đó ông Ngô Anh Tuấn mới chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về CLB. Có một thời gian làm việc ở bệnh viện, đã được tiếp xúc với nhiều thương binh và khá hiểu diễn biến tâm lý của họ nhưng "có lúc tôi đã mắc sơ suất mà mình phải lấy đó làm bài học nhớ đời" - ông Ngô Anh Tuấn kể lại.

Chuyện xảy ra trong một giờ tập bóng bàn. Khi bóng rơi, trong vai săn sóc viên, anh chàng Ngô Anh Tuấn khi ấy quên mất là mình đang phục vụ những VĐV khuyết tật. Thay vì cầm bóng đưa tận tay là một cú tâng bóng về phía một VĐV thương binh. Lập tức, anh chàng săn sóc viên trẻ tuổi Ngô Anh Tuấn nhận cái lừ mắt kèm câu hỏi: "Định làm gì đấy hả?". Lúc đó, chàng săn sóc viên mới nhận ra sự thất thố và vội vàng xin lỗi. Tất nhiên, đó là bài học cơ bản dành cho các săn sóc viên của CLB khi họ làm việc với các VĐV, nhất là những người từng để lại phần máu thịt nơi chiến trường.

Gần đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2014, nhắc lại chuyện trên, Chủ nhiệm CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội Ngô Anh Tuấn muốn nói rằng, các VĐV thể thao người khuyết tật là những người đặc biệt. Nhưng trong đó, những VĐV - thương binh còn đặc biệt hơn, phải có cách phục vụ "kỹ" hơn để họ thấy mình được thực sự tôn trọng. Mà họ xứng đáng được như vậy, nhất là sau những gì mà họ đã cống hiến cho đất nước.

2. Hiện tại, CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội có 11 thương binh, 1 người là con liệt sĩ. Trong 12 VĐV thuộc diện "chính sách" ấy, người nhiều tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi, "trẻ" cũng hơn 50 tuổi. Người "nhập ngũ" ở CLB sớm nhất là anh Nguyễn Xuân Tùng (đội bóng bàn, trước thuộc đội đua xe lăn), đến nay đã được 25 năm, người muộn nhất là một VĐV cầu lông - anh Nguyễn Tiến Sơn. Tất cả họ đến với CLB đều với nhu cầu tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe. VĐV Nguyễn Xuân Tùng có lần tâm sự, năm 1989, khi mới vào tập tại CLB, anh chỉ nặng 38kg và chỉ mong tập luyện để sống tới 40 tuổi. Ở CLB, VĐV này cũng là thương binh có hạng thương tật nặng nhất, hạng 1/4. Thế mà, đến nay, đã hơn 60 tuổi, VĐV Nguyễn Xuân Tùng luôn duy trì trọng lượng cơ thể ở mức 52kg. Còn Vũ Đặng Chí, VĐV bóng bàn là con liệt sĩ (mẹ là liệt sĩ thời chống Pháp, bố là liệt sĩ thời chống Mỹ). Lúc mới vào tập, Vũ Đặng Chí nhỏ thó, "tưởng đã gần đất xa trời" như chính VĐV này kể lại. Thế rồi, những vòng đua xe lăn, những buổi tập bóng bàn đã mang lại sức khỏe và sự lạc quan cho Vũ Đặng Chí. Đó là những thứ quý giá mà những người như VĐV Nguyễn Xuân Tùng , Vũ Đặng Chí... đã tìm thấy ở CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Có sức khỏe, họ mới có thể kiếm kế sinh nhai, vượt qua khó khăn đời thường. Ở đội bóng bàn, VĐV Đoàn Quốc Khánh từng nhiều năm làm đội trưởng đội trông xe tại chợ Nghệ (thị xã Sơn Tây), VĐV Nguyễn Mạnh Thường vẫn cùng người nhà làm vàng mã, VĐV Vũ Đặng Chí tranh thủ chở hàng hóa hay chở khách khi không phải tập luyện...

3. Trong lịch sử hơn 20 năm của CLB Thể thao người khuyết tật Hà Nội, những VĐV là thương binh, con liệt sĩ đã đoạt hàng trăm huy chương quốc tế và quốc gia. Giàu thành tích nhất có lẽ là Vũ Đặng Chí khi dường như không có đối thủ trong khu vực ở hạng thương tật 4 môn bóng bàn. Tại Hội thi Thể thao người khuyết tật vừa qua ở Cần Thơ, Vũ Đặng Chí giành 3 HCV, VĐV Đoàn Quốc Khánh giành 3 HCĐ. Không chỉ đoạt huy chương, họ còn tham gia hiệu quả vào các hoạt động khác của CLB. Cách đây hơn chục năm, Chủ nhiệm Ngô Anh Tuấn cùng nhiều thành viên của CLB đã nổi tiếng với việc tự chế xe đua, tiết kiệm hơn một nửa chi phí so với khi mua xe lăn đua của nước ngoài. Trong nhóm thành viên chế tạo chiếc xe ấy có anh thương binh Vũ Việt Phách, giờ vẫn là VĐV của đội đua xe lăn Hà Nội. Một khía cạnh khác mà các HLV ở CLB, trong đó có HLV kỳ cựu Nguyễn Hồng Vinh (bóng bàn) thường nhắc đến là: "Các anh ấy thuần tính và bao nhiêu năm nay vẫn vậy, vẫn là đầu tàu để lớp sau soi vào".

Cứ như nhiều người ngoài CLB vẫn nói với nhau thì có lẽ những VĐV "chính sách" và nhiều VĐV khuyết tật khác đã làm được những việc mà chính họ cũng không nghĩ tới khi bước chân vào CLB. 

Vũ Quỳnh