Đạo lý và trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 06:05, 27/07/2014
Tuổi trẻ Thủ đô thăm, khám bệnh, tặng quà thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Đức Thái |
Trọn nghĩa, vẹn tình
Hằng năm, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chế độ chính sách, mở rộng hệ thống dịch vụ phục vụ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và NCC; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng... Nhiều ưu đãi về giáo dục, đào tạo, thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm… cho các đối tượng chính sách đã được thực hiện. Chung tay chăm sóc NCC VCM còn có các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tích cực tổ chức và hưởng ứng các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" thiết thực. Từ phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây tặng các gia đình chính sách; hàng trăm nghìn cuốn sổ tiết kiệm được trao tặng cho thương binh, bệnh binh, NCC...
Năm nay, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngân sách nhà nước đã dành hơn 374 tỷ đồng để tặng quà NCCVCM. Những suất quà được trao tận tay đã góp phần làm ấm lòng các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ - những người chịu nhiều mất mát vì độc lập, tự do của dân tộc.
Chính sách phải đến đúng đối tượng
Những năm qua, chính sách ưu đãi NCCVCM tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện, thể hiện rõ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" với mong muốn đền đáp phần nào những hy sinh, mất mát của các thế hệ người Việt Nam đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCCVCM. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chế độ chính sách, ở một số địa phương vẫn xảy ra tiêu cực, sai sót, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; nhiều trường hợp người có công và thân nhân người có công chưa được hưởng đầy đủ chính sách; có những đối tượng không phải là người có công nhưng khai man để hưởng chế độ chính sách... Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 23/CT-TTg về tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCCVCM trong 2 năm (2014-2015). Đối tượng rà soát gồm: Liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng; cựu thanh niên xung phong.
Theo ước tính có khoảng 4,8 triệu người trong diện rà soát và công tác này sẽ được thực hiện đồng bộ ở 11.000 xã, phường trên cả nước. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCCVCM. Trên cơ sở kết quả rà soát, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị khắc phục các sai sót tiêu cực nhằm thực hiện đúng và đầy đủ chính sách ưu đãi đối với NCCVCM đã được ban hành. Sau tổng rà soát, cơ quan chức năng phải làm rõ những NCCVCM và gia đình người có công đã được hưởng, chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước để xây dựng kế hoạch giải quyết trong các năm sau. Qua công tác rà soát cũng phải phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong chính sách và thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM để đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh.
Bảo đảm chính xác
Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCCVCM là việc làm thiết thực và ý nghĩa nhưng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng thừa nhận: "Đây là việc làm mới và khó". Nếu không có sự công khai, minh bạch, khách quan, rất dễ xảy ra tình trạng quan liêu, cảm tính của cán bộ trực tiếp rà soát.
Làm thế nào để bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan và có được danh sách chuẩn về NCCVCM? Để làm được điều này, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội liên quan đã được huy động tham gia trực tiếp việc rà soát và được phân công nhiệm vụ rõ ràng như: Hội CCB rà soát đối tượng thương binh, bệnh binh; Hội LHPN rà soát đối tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Đoàn thanh niên rà soát đối tượng người có công giúp đỡ cách mạng... Cách phân công cụ thể này sẽ tạo thuận lợi cho việc tổng hợp, thực hiện chính sách đối với NCC.
Hiện nay, 61 tỉnh, thành phố đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổng rà soát báo cáo về TƯ. Kết quả bước đầu cho thấy, cuộc tổng rà soát thu hút được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo nhân dân, nhất là những CCB, cựu TNXP, người từng tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác triển khai rà soát còn chậm so với tiến độ. Nhiều địa phương sau khi tiến hành thí điểm rà soát đã phát hiện nhiều thiếu sót, tồn tại. Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, phát hiện nhiều người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hỗ trợ; một số trường hợp được cấp nhà tình nghĩa, nhưng lại cho người khác thuê hoặc ở. Tại Bắc Ninh, trong số 2.066 người được rà soát có 2.048 người được hưởng chế độ đầy đủ, 18 người hưởng chế độ chưa đầy đủ. Có 70 trường hợp tham gia kháng chiến qua thẩm định của địa phương đủ điều kiện chưa được xác nhận giải quyết chế độ ưu đãi người có công...
Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCCVCM không chỉ là đạo lý và cũng là trách nhiệm; đồng thời khẳng định truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của dân tộc. Không ai được phép quên những sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam, vì độc lập tự do của dân tộc!
Tính đến ngày 20-7, có 18 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCCVCM tại 130 điểm ở các địa phương. Tổng số người rà soát là 33.632 người, trong đó số người hưởng đầy đủ chính sách là 31.603 đạt (93,96%); số người chưa được hưởng đầy đủ là 999 (2,97%); số người chưa được hưởng là 977 (2,90%); số người hưởng sai là 47 người (0,13%). |