Sớm trả lại tên cho các anh

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:42, 27/07/2014

(HNM) - Trong thế kỷ XX, không có quốc gia nào trên thế giới phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam. Từ kháng chiến chống thực dân Pháp để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, đến chiến tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



Hòa bình chưa được bao lâu, dân tộc ta buộc phải cầm súng khi bọn diệt chủng Pôn Pốt tàn sát đồng bào ta ở biên giới phía Nam. Rồi bước vào cuộc chiến đấu mới chống quân bành trướng xâm lược ở biên giới phía bắc, tháng 2-1979. Để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu người con Việt Nam đã ra chiến trường. Và trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, hàng chục vạn người Việt Nam đã vĩnh viễn không bao giờ trở về. Không một xã, phường nào trên mảnh đất Việt Nam không có đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Riêng tỉnh Quảng Trị còn có hai nghĩa trang cấp quốc gia với hàng nghìn liệt sĩ yên nghỉ. Trên ban thờ tổ tiên của rất nhiều gia đình Việt Nam có di ảnh người thân là liệt sĩ.

Liên tục trong hơn nửa thế kỷ qua, dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt hay khi đất nước khó khăn, thiếu thốn, Nhà nước đã có nhiều chính sách cụ thể chăm lo vật chất và tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ. Cùng với Nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhiều cá nhân cũng đã góp công, góp của tri ân những người con đã ngã xuống nơi chiến trường. Nhà nước cũng đã thực hiện công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ hy sinh ở trong nước và bên nước bạn Lào và Campuchia. Chia sẻ trách nhiệm cùng Nhà nước, nhiều đơn vị truyền thông, đồng đội các liệt sĩ đã mở chương trình "Nhắn tìm đồng đội", lập các trang web kết nối thông tin, giúp các gia đình chưa tìm được hài cốt người thân có thêm đầu mối để kiếm tìm.

Tuy nhiên công việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn vì chiến tranh đã lùi xa, địa hình địa vật thay đổi, rồi do thời gian nên xương cốt nhiều liệt sĩ không còn đủ hình hài. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay cả nước vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ vô danh, trong đó có nhiều liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang, hoặc còn nằm đâu đó trên các vùng núi cao ở biên giới phía bắc, trong các cánh rừng sâu hay ở giữa biển khơi. Từng ấy liệt sĩ vô danh là từng ấy gia đình ngày đêm âm thầm chịu đựng nỗi đau, mong muốn nhìn thấy hài cốt người thân để được chôn cất theo phong tục.

Đáp ứng nguyện vọng tâm linh của các gia đình liệt sĩ, của xã hội; đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, ngày 14-1-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin". Theo đó Thủ tướng đồng ý nâng cấp các cơ sở xác định gen thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để đến năm 2015, thông qua phương pháp xác định gen khoảng 10.000 hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, đề án đã gặp khó khăn nên cả năm 2013, 3 đơn vị này mới chỉ giám định có kết quả 285/292 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ.

Để khắc phục khó khăn trong việc "trả lại tên cho các anh", Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đồng ý cấp thêm kinh phí để hoàn thành dự án xác định hài cốt liệt sĩ. Quyết tâm lớn như vậy của Đảng và Nhà nước, cộng với lòng thành kính và tinh thần làm việc tận tụy của các cán bộ khoa học sẽ giúp chúng ta sớm hoàn thành tâm nguyện với các Anh hùng liệt sĩ. Đó cũng chính là những nén tâm nhang thiết thực nhất được thắp lên để tri ân những người có công với đất nước.

Thủy Tiên