Dải Gaza: Hòa bình vẫn chỉ là hy vọng

Thế giới - Ngày đăng : 05:38, 27/07/2014

(HNM) - Một lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza đã được Israel và phong trào vũ trang Hamas của Palestine tuyên bố thực hiện trong vòng 12 giờ - bắt đầu từ 8h sáng 26-7 theo giờ địa phương (12h giờ Việt Nam).


Tuy nhiên, hy vọng về việc chấm dứt cuộc chiến tại dải đất này vẫn hết sức mong manh khi một thỏa thuận ngừng bắn dài hạn hơn vẫn chưa đạt được. Thậm chí, ngay tại lệnh ngừng bắn tạm thời vì mục đích nhân đạo (chỉ nửa ngày), quân đội Israel vẫn tuyên bố, họ sẽ tiếp tục phá hủy các đường ngầm do những tay súng Hamas xây dựng để thâm nhập qua biên giới vào Israel; đồng thời sẽ trả đũa nếu lực lượng an ninh Do Thái bị tấn công hoặc Hamas phóng rocket vào Israel.

Người dân thành phố Rome, Italia biểu tình phản đối các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.


Trước đó, ngày 25-7, nội các an ninh của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối một lệnh ngừng bắn dài hơn tại Dải Gaza do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa đề xuất và đang tìm cách thay đổi kế hoạch này. Theo các nguồn tin Chính phủ Israel, những điều khoản ngừng bắn được Ngoại trưởng J.Kerry đưa ra là "hoàn toàn bất hợp lý" và ngả theo hướng có lợi cho Hamas. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry thừa nhận, vẫn còn những bất đồng ngôn từ trong thỏa thuận khung về ngừng bắn tại Dải Gaza mà ông tin tưởng sẽ thành công.

Một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas càng trở nên cấp thiết, trong 18 ngày vừa qua, ở Dải Gaza đã có 879 người Palestine, 35 binh sĩ và 2 dân thường Israel cùng một công nhân nhập cư thiệt mạng trong các cuộc xung đột đẫm máu. Và mặc dù chiến sự tại Dải Gaza rất khốc liệt nhưng cả Israel và Hamas xem ra vẫn không muốn "xuống thang". Israel thực hiện khoảng 250 lượt không kích mỗi ngày, trong khi các tay súng Hamas đáp lại khoảng 100 quả rocket. Các nhà phân tích nhận định rằng, một trong những lý do dẫn đến căng thẳng leo thang là qua các vụ bắn rocket, Hamas muốn đặt điều kiện để nới lỏng thế bao vây, phong tỏa của Iseael khiến nền kinh tế của Dải Gaza ngày càng trở nên kiệt quệ. Sau khi mất đi đồng minh quan trọng do sự sụp đổ của chính quyền tổ chức "Anh em Hồi giáo" tại Ai Cập, cánh Hamas bị mất nguồn hỗ trợ khi chính quyền mới ở Cairo cùng Israel siết chặt an ninh biên giới với Dải Gaza, cắt đứt nguồn thu quan trọng của phong trào này. Đây là một trong những nguyên nhân buộc Hamas phải chấp thuận thỏa thuận hòa giải với phong trào Fatah để tìm lối thoát cho nền kinh tế đang bị kiệt quệ của Palestine. Trong khi đó, chiến dịch quân sự "Bảo vệ biên giới" của Israel không chỉ để trả đũa và ngăn chặn các vụ nã rocket mà còn nhằm triệt tiêu hoàn toàn khả năng quân sự của Hamas; và, xa hơn là loại cánh vũ trang từng kiểm soát Dải Gaza này ra khỏi đời sống chính trị ở Trung Đông. Do đó, Israel thậm chí đã không đặt ra một giải pháp ngoại giao khi mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.

Trước tình thế "căng như dây đàn" giữa Israel và Hamas, cộng đồng quốc tế đã lên án các hành động quân sự gây thương vong cho dân thường; đồng thời gây sức ép để hai bên chấm dứt sự thù địch. Hiện tại, một lệnh ngừng bắn dài hạn hơn vẫn đang được các bên liên quan nỗ lực thúc đẩy. Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết, nước này đã chủ trì một cuộc họp ngoại trưởng các nước, trong đó có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar tại Paris vào ngày 26-7 để phối hợp các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn sớm nhất có thể giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, theo mạng tin GulfNews ngày 25-7, một loạt binh sĩ quân dự bị Israel đã từ chối tham gia chiến dịch tấn công tại Dải Gaza. Cùng ngày, hãng AFP đưa tin, luật sư người Pháp Gilles Devers tuyên bố đã thay mặt Bộ trưởng Tư pháp Palestine đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), trong đó cáo buộc quân đội nước này "phạm tội ác chiến tranh" trên danh nghĩa chiến dịch "Bảo vệ biên giới".

Như vậy, chiến sự chỉ có thể chấm dứt nếu Israel giành thắng lợi hoặc các bên liên quan thông qua thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, cái giá mà Israel phải trả để có được một chiến thắng là rất đắt. Ngược lại, Hamas chỉ có thể chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn nếu họ thu được những lợi ích cụ thể như Israel nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới để mang lại luồng sinh khí cho nền kinh tế ở Dải Gaza.

Một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và thực sự có hiệu quả là phải bảo đảm được sự tự do về thương mại cho người dân ở Dải Gaza. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể giành được sự ủng hộ của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Hamas. Nhưng một thỏa thuận toàn diện như vậy dường như quá xa vời với Trung Đông vào thời điểm này.

Thùy Dương