“Chạy đua” cho vay ưu đãi
Tài chính - Ngày đăng : 08:42, 26/07/2014
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ảnh: Như Ý |
Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) tiếp tục "vượt bão", Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã dành 2.000 tỷ đồng cho vay chương trình "Giải pháp vay nhanh - dành ích lợi lớn", đáp ứng các nhu cầu vay vốn ngắn, trung và dài hạn cho cả khoản vay tiền đồng và USD với các mức lãi suất ưu đãi. Hỗ trợ nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh dự báo thường tăng mạnh vào cuối năm của khách hàng DN vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã cùng lúc triển khai hai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho đối tượng này. Với chương trình "Cho vay ưu đãi 5%" có tổng mức tín dụng được cung cấp lên đến 2.000 tỷ đồng, DN nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh sẽ chỉ phải chịu lãi suất 5%/năm cho khoản vay trung và dài hạn (trên 12 tháng) và 8,5%/năm với các khoản vay dưới 12 tháng (mức lãi suất này được áp dụng cho 3 tháng đầu). Chương trình được kéo dài đến hết ngày 30-9. Nếu những DN chưa thuộc nhóm ưu đãi lãi suất trên, VPBank mang tới chương trình "SME success 2014", với tổng lượng vốn tín dụng 2.000 tỷ đồng, triển khai đến hết ngày 31-8, lãi suất được giảm 2% so với hiện hành.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) lại dành sự ưu tiên cho khách hàng cá nhân, nên đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Với chương trình "Đăng ký ngay, vay không lãi" triển khai từ nay đến hết tháng 9, SeABank hỗ trợ khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng. Khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 0% trong 12 tháng đầu cho một khoản vay giải ngân sớm nhất trong tháng, lãi suất 0%/năm trong 6 tháng đầu cho khoản vay giải ngân sớm nhất trong tuần, lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu cho 40 khoản vay giải ngân có thứ tự 2 - 41 trong tuần, còn lại các khoản vay khác áp dụng lãi suất 8%/năm trong 6 tháng.
Không bỏ lỡ cơ hội có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn chú trọng vào thị trường nông thôn. Mới đây, Agribank đã cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Mức lãi suất cho vay tối đa đối với các dự án thuộc các chương trình thí điểm là 7%/năm (ngắn hạn), 10%/năm (trung hạn), 10,5%/năm (dài hạn). Đại diện Agribank cho biết, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp sẽ góp phần mở ra một hướng đi mới, cách làm mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Với những mức lãi suất được các ngân hàng đưa ra, hầu hết DN và khách hàng cá nhân đều hưởng ứng, vì từ ngưỡng 21%/năm, lãi suất đã giảm dần xuống dưới 10%/năm. Đại diện một DN cơ khí ở Hà Nội thừa nhận, lãi suất đã giảm xuống thấp, thủ tục cũng đơn giản hơn nhiều. Thời điểm trước, nếu muốn vay, DN phải van xin ngân hàng, giờ đây các ngân hàng tự tìm đến DN để mời vay với lãi suất khá hấp dẫn. Khách hàng cá nhân cũng được "chào" lãi suất 11-12%/năm, thấp hơn nhiều so với trước. Chị Thanh Thúy (quận Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết, chị mới làm thủ tục vay tiền ngân hàng để sửa nhà, với vốn vay khoảng 500 triệu đồng, chị được áp dụng lãi suất 11%/năm, với thủ tục trong vòng 1 tuần. Cách đây khoảng 2 năm, chị Thúy định hỏi vay ngân hàng, nhưng do lãi suất quá cao nên đành phải hoãn, chờ đến nay mới sửa nhà.
Nhiều ngân hàng khác, như BaoViet Bank, ACB, VietinBank… cũng không đứng ngoài cuộc, với việc đưa ra nhiều sự lựa chọn cho DN. Mức lãi suất áp dụng cho các khoản vay được nhận xét là khá phù hợp, nên những DN hay cá nhân có nhu cầu vay vốn không ngại "gõ cửa" ngân hàng. Nhờ đó mà sau gần 7 tháng, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 4%, con số khả quan so với mức quanh ngưỡng 1% của cả hệ thống những tháng đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng vì bức tranh "sức khỏe" của nền kinh tế đang sáng dần. Tuy nhiên, để nguồn vốn thực sự có tác động tích cực tới nền kinh tế, chỉ ngành ngân hàng hay DN với ngân hàng là chưa đủ, mà cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành khác.