Bồ Đào Nha: Sóng gió từ khủng hoảng ngân hàng

Thế giới - Ngày đăng : 08:35, 26/07/2014

(HNM) - Chưa được bao lâu sau khi tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ phối hợp giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Bồ Đào Nha lại phải đối mặt với những sóng gió mới đến từ những rắc rối tài chính của tập đoàn ngân hàng lớn thứ hai nước này Banco Espirito Santo (BES).

Khủng hoảng từ BES đang đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế Bồ Đào Nha.



Sau vài tháng tìm phương hướng giải quyết, nhưng không thành công, cuối tuần trước, một trong các cổ đông chính của BES là Espirito Santo International (ESI) đã phải đệ đơn xin bảo hộ cho các chủ nợ. Một cổ đông khác của tập đoàn này là Rioforte đã không thể thanh toán được số nợ 847 triệu euro (1,146 tỷ USD) cho Portugal Telecom đúng hạn là vào ngày 15-7. Nhằm trấn an khách hàng, ngày 23-7, tân giám đốc điều hành ngân hàng này, ông Vitor Bento đã khẳng định đang nỗ lực để lấy lại lòng tin của các thị trường, tạo dựng những lợi ích về lâu dài và mở ra một chương mới cho BES. Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha cũng khẳng định BES có đủ vốn để có thể trụ được trước bất kỳ thiệt hại nào do các vấn đề tài chính hiện nay. Tuy nhiên, những thông tin tiêu cực về BES được ví như gáo nước lạnh dội vào các nhà đầu tư khi đang háo hức chờ đợi kế hoạch tái cấu trúc của tập đoàn và là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Bồ Đào Nha vẫn đang chật vật thoát khỏi ảnh hưởng của cơn bão nợ công quần đảo châu lục suốt 4 năm qua.

Trước tín hiệu tiêu cực của BES, hai đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu là Moody's Investors Service và Standard & Poor's Ratings Services (S&P)đã hạ bậc tín nhiệm tài chính của BES. S&P hạ 1 bậc tín nhiệm của BES xuống mức B+, chỉ cách mức đầu cơ 1 bậc, kèm theo triển vọng tiêu cực. Trong khi đó, Moody's hạ tín nhiệm nợ dài hạn của BES xuống B3, đồng thời đưa ra những quan ngại về mức độ tín nhiệm của BES. Các công ty xếp hạng lưu ý có thể tiếp tục hạ bậc nợ dài hạn và xếp hạng tiền gửi ngân hàng của BES vì những rắc rối tài chính này.

Cổ phiếu của Banco Espirito Santo lập tức giảm 19% trước khi bị tạm ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của Espirito Santo Financial Group cũng giảm 8% trước khi ngừng giao dịch. Sự kiện này đã tác động đến toàn bộ thị trường chứng khoán Châu Âu, tạo nên làn sóng bán tháo trên toàn cựu lục địa. Trên thị trường nợ, trái phiếu của BES tiếp tục lao dốc và ảnh hưởng đến cả trái phiếu do chính phủ Bồ Đào Nha phát hành. Nỗi ám ảnh từ khủng hoảng nợ eurozone, cũng khiến trái phiếu của các nước ngoại vi như Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha ảnh hưởng.

Khi tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ tài chính vào cuối tháng 5 vừa qua, nhiều nhà phân tích kinh tế đã đánh giá cao những gì Lisbon đã làm được. Mặc dù vẫn phải vật lộn để thoát cuộc khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế và sự phản đối của dân chúng vì những biện pháp "thắt lưng buộc bụng", kinh tế Bồ Đào Nha cũng như chi tiêu tiêu dùng đã có tín hiệu phục hồi từ cuối năm ngoái. Điều này đã góp phần cải thiện tình hình tài chính công, tăng trưởng kinh tế mạnh đã giúp tăng thu nhập cá nhân và giảm chi phí. Thâm hụt ngân sách nhà nước năm ngoái đã xuống mức 4,9%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha cũng đã giảm từ kỷ lục 17,7% vào đầu năm 2013 xuống còn 15,2% trong quý đầu tiên năm 2014. Nhưng thị trường tài chính Bồ Đào Nha mới chỉ ở mức tương đối thuận lợi, lòng tin của các nhà đầu tư mới chớm được khôi phục và xuất khẩu của Lisbon vẫn phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh tế chung của EU.

Nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng này có thể khiến nền kinh tế mong manh của Bồ Đào Nha quay trở lại thời kỳ điêu đứng. Ngày 23-7, Bộ trưởng Kinh tế nước này Antonio Pires de Lima đã thừa nhận rằng: Khó khăn đang "bủa vây" tập đoàn ngân hàng BES có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva cho rằng các vấn đề tài chính đang ảnh hưởng tới bộ phận phi ngân hàng của BES có thể tác động nhất định tới nền kinh tế, và các chủ nợ của tập đoàn có thể sẽ đứng trước những khó khăn lớn.

Đình Hiệp