Tiềm năng nhiều, tận dụng không dễ

Du lịch - Ngày đăng : 06:55, 25/07/2014

(HNM) - Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Cơ hội phát triển càng được nhân lên khi ngày 23-6 vừa qua, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thế nhưng Ninh Bình đã sẵn sàng tận dụng tối đa cơ hội này.


Mảnh đất giàu tiềm năng

Thiên nhiên ban tặng Ninh Bình nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo như Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng Kênh Gà, động Vân Trình, nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch hang động Tràng An... Ninh Bình cũng là địa danh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Toàn tỉnh có 1.499 di tích, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư và Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (nay là quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới). Ninh Bình có 260 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam được kế thừa và phát triển từ phong tục tập quán của nền văn minh lúa nước, văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn có từ hàng nghìn năm trước. Hiện, toàn tỉnh có 69 làng nghề truyền thống, nổi bật là làng nghề thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, mỹ nghệ cói Kim Sơn.

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Anh Tuấn



Với nguồn tài nguyên phong phú, Ninh Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch một cách đa dạng, với nhiều sản phẩm như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch lễ hội tâm linh, du lịch thể thao leo núi, du lịch chữa bệnh, du lịch sinh thái... Những năm vừa qua, lượng du khách đến Ninh Bình không ngừng tăng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, Ninh Bình đón 3,3 triệu lượt khách, trong đó du khách quốc tế đạt mức 268.800 lượt.

Bài toán phát triển bền vững

Thực tế, du lịch ở vùng cố đô Hoa Lư chỉ thực sự sôi động từ năm 2005 trở lại đây khi tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa được đánh thức. Tuy thế, hiện nay, ngành du lịch Ninh Bình vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn. Trong số này, có những sự hạn chế tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng dễ để lại hậu quả lớn nếu tình hình không được kiểm soát, chẳng hạn như tình trạng chèo kéo khách, nâng giá thực phẩm và giá phòng vào mùa cao điểm, xin tiền "tip" của khách... Điển hình là dịch vụ chụp ảnh: Tỉnh có 932 thợ chụp ảnh, hầu hết đã được cấp chứng chỉ hành nghề và do các tổ chức quản lý song vẫn diễn ra tình trạng xúm xít mời chào mỗi khi có khách. Không ít thợ ảnh cố tình chụp thật nhiều kiểu và lấy giá rất đắt, gây phiền toái cho khách du lịch. Theo bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Ninh Bình, sở dĩ có tình trạng này là nhận thức của người nông dân về cách làm du lịch còn hạn chế. "Họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà chưa nghĩ được trách nhiệm đối với việc phát triển du lịch bền vững. Ít người nghĩ được rằng, nếu họ làm thế thì khách du lịch sẽ không đến nữa và con cháu họ mai sau sẽ không có việc làm", bà Dương Thị Thanh nói.

Một chuyên gia về du lịch ở Ninh Bình cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao. Hiện toàn tỉnh có 11.000 lao động tham gia làm du lịch, trong đó có 2.300 lao động trực tiếp và 8.700 lao động gián tiếp, nhưng lao động có chuyên môn cao thường xuyên "nhảy việc". Gần đây, dù đón tới 4,5 triệu khách du lịch trong một năm nhưng toàn tỉnh chỉ có 42 hướng dẫn viên được cấp thẻ và 81 thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Bên cạnh đó, lượng khách lưu trú ở Ninh Bình rất ít và thời gian lưu trú rất ngắn. Như tại khu vực chùa Bái Đính, điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Ninh Bình, thời gian khách lưu lại đây thường gói trong 1 ngày. Thống kê năm 2013 cho thấy, trung bình mỗi khách chi tiêu 200.000 đồng/chuyến cho các dịch vụ giải trí về đêm, mua sắm ít - một phần là do sản phẩm lưu niệm của Ninh Bình còn đơn điệu.

Bà Dương Thị Thanh cho biết, trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ cùng chính quyền địa bàn có điểm đến quan trọng mời giảng viên có kinh nghiệm về du lịch cộng đồng để hướng dẫn bà con nông dân cách làm du lịch với mục tiêu là nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu của khách, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Đồng thời, Ninh Bình sẽ có chính sách cho doanh nghiệp thuê đất với giá rẻ để xây dựng khách sạn cùng các dịch vụ giải trí về đêm, nghiên cứu xây dựng sản phẩm đặc trưng và nâng cao chất lượng tour, mở rộng liên kết vùng, tạo tour tuyến mới…

Lâm Vũ