Uống nước, nhớ nguồn
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:37, 25/07/2014
Mãi mãi là tấm gương sáng
Cứ mỗi lần thắp hương cho chồng, con, mẹ Đào Thi Rền, ở thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã cướp đi người con trai mà mẹ yêu quý nhất - liệt sĩ Nguyễn Văn Thảo. Anh Thảo sinh năm 1944, hy sinh năm 1972 tại Quảng Ngãi khi mới 28 tuổi. Người chồng, sau nhiều năm là chỗ dựa vững chắc của mẹ cũng đã qua đời vì bạo bệnh để lại cho mẹ nỗi tiếc thương khôn nguôi.
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới và chính quyền địa phương trao quà cho bà Đinh Thị Thưng, thôn 8, xã Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội). |
Thời trẻ, mẹ Rền cũng giống như bao người con gái khác trong làng, đảm đang việc nhà cửa, đồng áng. Đến tuổi lấy chồng, mẹ đem lòng yêu thương ông Nguyễn Văn Hậu, người cùng làng và sinh được bốn người con. Chồng tham gia cách mạng, xa nhà biền biệt, một mình mẹ tần tảo nuôi con. Khi các con đến tuổi trưởng thành, mẹ là người động viên, khích lệ các anh, các chị góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giờ đây đã ở tuổi 97, ký ức không còn rõ nét, nhưng trong tiềm thức mẹ Rền vẫn luôn nghẹn ngào nỗi xót thương con. Hình ảnh những ngày tiễn con Nguyễn Văn Thảo nhập ngũ vẫn thấp thoáng đâu đây. Do tuổi già có lúc mẹ nhớ. Có lúc, mẹ lại quên. "Giờ đây, tôi chỉ mong tìm thấy hài cốt của cháu để đưa về quê an táng. Có như vậy tôi mới yên lòng nhắm mắt", mẹ Rền ngân ngấn nước mắt. Mẹ kể, đã nhiều lần mẹ cùng với gia đình vào Quảng Ngãi để tìm mộ anh Thảo nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Mỗi lần nhớ đến con, mẹ lại khóc thương. Đôi vai gầy của mẹ chùng xuống rồi run lên theo những tiếng nấc nghẹn ngào. Thương con là vậy nhưng mẹ bảo, nếu đất nước bị kẻ thù xâm lược, nếu còn có những người con khỏe mạnh mẹ vẫn động viên tất cả ra chiến trường.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Hồng Phong (sinh năm 1954), thương binh 1/4, thôn Phú Yên, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xung phong nhập ngũ năm 1972. Sau những tháng huấn luyện ở Xuân Mai, đơn vị lên đường vào chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum... Trong một trận đánh, ông bị thương nặng ở đầu. Sau gần một năm nằm viện, ông trở về địa phương, rồi lập gia đình. "Sức khỏe của tôi rất yếu, không làm được việc nặng. Vợ tôi trở thành trụ cột trong gia đình. Lúc đó cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, thiếu thốn", ông Phong nhớ lại.
|
Với ý chí thoát nghèo, cộng với nghị lực của một người đã từng xông pha trận mạc, ông Phong mạnh dạn mở xưởng may, vừa để dạy nghề cho con, em của các đồng đội, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện cơ sở của ông đang tạo công ăn việc làm cho 10 người khuyết tật với mức thu nhập ổn định từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. "Khi trở về địa phương, tôi thấy con, em của đồng đội không có việc làm. Tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó để giúp các cháu. Vì thế tôi quyết định mở xưởng may này", ông Phong tâm sự. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trong đầu lại tái phát, đau đớn lắm nhưng không vì thế mà ông Phong lùi bước trước khó khăn. Cùng với phát triển kinh tế, ông tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương.
Tấm lòng của những người làm báo Đảng Thủ đô
"Uống nước nhớ nguồn", những ngày vừa qua, đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã tới thăm, tặng quà 10 gia đình ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Mê Linh, quận Cầu Giấy, trao tặng mỗi gia đình 10 triệu đồng. Cùng với đó, Quỹ tiến hành khởi công xây dựng 2 nhà tình nghĩa, mỗi ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng tặng các gia đình người có công với cách mạng ở Thanh Hóa. Những món quà nhỏ này là sự tri ân, lòng biết ơn của cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới và tập thể lãnh đạo, nhân viên Tổng Công ty cổ phần Bia rượu NGK Sài Gòn đối với những người con nước Việt đã hy sinh một phần xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Quỹ Trái tim nhân ái đến thăm ông Nguyễn Văn Lập, thương binh hạng 4/4, ở xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội. Vợ ông bị ung thư phổi, bản thân sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, cách đây không lâu, ông lại bị tai nạn giao thông, hai mắt cứ mờ dần. Tiền mua thuốc chữa bệnh của hai vợ chồng ngày một nhiều, trong khi thu nhập chỉ trông vào vài sào ruộng nên gia đình luôn trong cảnh "thiếu trước, hụt sau". "Món quà mà Quỹ Trái tim nhân ái trao đối với tôi thật là lớn", nói rồi, bàn tay ông run run…
Cũng gặp khó khăn không kém là trường hợp bà Nguyễn Thị Yến, vợ liệt sĩ Trương Công Lai ở thôn Kiều Mộc, xã Cổ Đô. Ông Lai nhập ngũ ngày 14-9-1965, hy sinh ngày 28-2-1970 ở chiến trường Nam Tây Ninh. Người chồng, chỗ dựa vững chắc qua đời, một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Nhiều năm sống trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp, hễ mưa là dột, nhưng không có tiền để sửa chữa. Mới đây, được sự hỗ trợ của gia đình nội ngoại, bà và các con quyết định phá bỏ ngôi nhà cũ để xây dựng ngôi nhà mới. Khi chúng tôi đến thăm và tặng quà cũng là lúc ngôi nhà đang đổ mái. Nhận số tiền ủng hộ, bà Yến xúc động: "10 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với tôi. Tôi vô cùng cảm ơn cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới và tập thể lãnh đạo, nhân viên Tổng Công ty cổ phần Bia rượu NGK Sài Gòn đã quan tâm, giúp đỡ".
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, có biết bao gia đình đã chịu hy sinh, mất mát, biết bao người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể trên chiến trường. Với tất cả tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm với lịch sử, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã và đang làm hết sức mình cùng với cả nước trọn nghĩa, vẹn tình trong việc chăm lo cho các thân nhân liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng.