Trận đầu đánh thắng
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 24/07/2014
Chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 236 tập luyện sẵn sàng chiến đấu. |
Ngày 1-5-1965, Trung đoàn Tên lửa 236 chính thức thành lập. Ngày 3-5-1965, Trung đoàn 236 bước vào huấn luyện theo chương trình chuyển binh chủng với thời gian 6 tháng, do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Do yêu cầu chiến đấu đòi hỏi rất khẩn trương nên công tác tổ chức được tiến hành gấp rút. Đơn vị vừa tiếp nhận khí tài, vừa triển khai công tác huấn luyện. Do chỉ có một bộ khí tài để huấn luyện, các kíp phải luân phiên nhau thực hành nên trung bình mỗi ngày phải học từ 14 đến 15 giờ, trong khi nhiệt độ có lúc lên tới 45 độ C. Được gần 2 tháng, Quân chủng nhận được chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: "Các đồng chí Trung đoàn 236 phải nhanh chóng nắm lấy vũ khí, khí tài để sớm ra quân chiến đấu và chiến đấu thắng lợi".
Thực hiện chỉ thị của Đại tướng Tổng tư lệnh, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng cùng Trung đoàn 236 đã quyết tâm rút ngắn thời gian huấn luyện từ 6 tháng xuống 2 tháng 15 ngày. Ngày 18-7, Trung đoàn kết thúc huấn luyện, toàn đơn vị nhanh chóng bắt tay vào công tác chuẩn bị chiến đấu.
Loại tên lửa Liên Xô giúp ta là tên lửa SA-75, thường gọi là SAM-2 do Viện Thiết kế tên lửa KB-1 (Tổng công trình sư A.A.Raspletin) nghiên cứu chế tạo và ngày 7-11-1957 đã xuất hiện tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. SA-75 có thể tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao từ 300m đến 27.000m; khi cần có thể diệt các mục tiêu mặt đất, mặt nước ở cự ly tới 20km. SA-75 có nhiều biến thể và được cải tiến nhiều lần để nâng cao tính năng chiến thuật, kỹ thuật, nhất là khả năng chống nhiễu.
Để chuẩn bị tốt nhất cho trận đầu, Quân chủng tổ chức Sở Chỉ huy tiền phương kết hợp với Sở Chỉ huy Trung đoàn 236 bố trí tại thôn Phù Nhiêu để chỉ huy tác chiến. Tư lệnh Quân chủng Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính, Phó Tư lệnh Đỗ Đức Kiên thay nhau vừa chỉ huy cụm tác chiến phòng không ở Suối Hai, vừa chỉ huy toàn bộ hoạt động của Quân chủng ở Sở Chỉ huy Hà Nội. Trực tiếp theo dõi giúp đỡ ở Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng có đồng chí Lê Văn Tri, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu.
Bộ Tham mưu Quân chủng tại Sở Chỉ huy tiền phương có Phó Tham mưu trưởng phụ trách tên lửa Nguyễn Quang Tuyến; Phó Tham mưu trưởng phụ trách pháo phòng không Lê Văn Thiêm; Trưởng phòng Tuyên huấn Trần Thái Vĩnh. Trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 236 là Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn và Chính ủy Phan Đăng Ty.
Hiệp đồng chiến đấu giữa tên lửa, ra đa, pháo phòng không được quy định rất chặt chẽ. Từ sáng sớm 24-7, các tốp máy bay trinh sát của địch hoạt động rất sâu theo biên giới Việt - Lào và vùng Tây Bắc.
8h40, toàn cụm vào cấp 1, trên bảng tiêu đồ 9x9 xuất hiện hai tốp máy bay địch đang bay vào hướng Mộc Châu - Ba Vì. Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng lệnh cho các tiểu đoàn tên lửa và các đơn vị pháo phòng không theo dõi, bám sát chặt hai tốp mục tiêu trên. Khi mục tiêu vào cách khu vực trận địa 50km thì bay chếch lên hướng bắc rồi theo trục sông Hồng vào đánh phá Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao.
15h30, trên tiêu đồ 9x9 tiếp tục xuất hiện hai chiếc RF-101 từ hướng Tây nam bay vào và nhiều tốp khác đang hoạt động bên kia biên giới. Các đài ra đa nhìn vòng theo dõi bám sát liên tục hoạt động của địch. Hai chiếc RF-101 khi tới Mộc Châu thì bay chếch lên hướng bắc và theo trục sông Hồng vào trinh sát Khu công nghiệp Việt Trì rồi bay ra. Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng và Trung đoàn 236 tăng cường theo dõi địch ở hướng Tây nam.
15h40, hầu hết các tốp xuất hiện trên tiêu đồ 9x9 đã bắt đầu bay qua biên giới Việt - Lào đến khu vực Mộc Châu và tách làm hai hướng: Hướng thứ nhất theo đường bay của hai chiếc máy bay trinh sát RF-101 vào đánh khu vực Việt Trì, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao. Hướng thứ hai, một tốp 3 chiếc F-4C bay theo trục sông Hồng, theo đỉnh Lưỡi Hái lên phía bắc. Đây là tốp có tham số nhỏ nhất làm nhiệm vụ chặn kích, yểm trợ cho các tốp cường kích vào đánh khu vực Việt Trì và Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao. Đường bay của tốp F-4C chủ yếu đề phòng máy bay tiêm kích của ta từ sân bay Hòa Lạc lên và Nội Bài sang nên chúng bay sát trục sông Đà.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63 Nguyễn Văn Thân và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64 Nguyễn Văn Ninh cùng với chuyên gia bạn đã đề nghị cho tiêu diệt tốp F-4C. Đạn tên lửa đã chuẩn bị sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào.
Quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn đã nhanh chóng phân tích tình huống, xác định thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt tốp F-4C và ra lệnh: "Tiểu đoàn 63, 64 tập trung tiêu diệt tốp 04, tọa độ 69". Đại tá Quách Hải Lượng, một trong những nhân chứng ngày lịch sử này, khi đó là Thượng úy, Đội trưởng phiên dịch của Trung đoàn 236 nhớ lại: Hôm đó là một ngày trời rất đẹp. Sau thời gian dài căng thẳng chờ địch đến, chúng tôi bỗng trải qua cảm giác nhẹ nhõm, bình thản và rất tự tin...
Khoảng 15h40, cả Sở Chỉ huy Trung đoàn 236 như bừng tỉnh sau tiếng hô to của Thượng úy Đào Xuân Chiểu: Phát hiện máy bay địch bay vào khu vực mục tiêu. Báo động, tất cả vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu...
Đúng 15h53, có 2 tiếng nổ xé trời, Tiểu đoàn hỏa lực 63 đã phóng 2 quả đạn. Liền sau đó lại có 2 tiếng nổ lớn của 2 quả đạn do Tiểu đoàn 64 bắn tiếp.
"Đã tiêu diệt mục tiêu, tọa độ"... Các tham số tọa độ mục tiêu rơi được nhanh chóng đánh dấu lên bản tiêu đồ. Vị trí chính xác máy bay rơi là ranh giới hai huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Đây chính là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Vị trí rơi chính xác của chiếc máy bay này thuộc xã Võ Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ); bộ đội và dân quân địa phương đã bắt sống giặc lái.
Kết quả trận đánh đầu tiên, hai tiểu đoàn tên lửa phòng không 63, 64 Trung đoàn 236 đã bắn rơi cả tốp 3 chiếc F-4C, có một chiếc rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Hiện nay, tại khu vực chiếc máy bay này bị bắn rơi, chính quyền địa phương đã cho dựng một tấm bia lưu niệm ghi dấu chiến thắng đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.
Sự ra đời của Bộ đội Tên lửa phòng không đã nâng cao khả năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân lên một bước rõ rệt, lưới lửa phòng không bảo vệ miền Bắc đã được củng cố và bổ sung một cách vững chắc, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở miền Bắc Việt Nam với đỉnh cao là trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12 năm 1972. Những kinh nghiệm và truyền thống phải đổi bằng xương máu ấy mãi mãi là tài sản quý báu của các lực lượng phòng không - không quân nói riêng và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.