Lãi suất điều hành tăng tác động thế nào đến mặt bằng lãi suất và tỷ giá?
Tài chính - Ngày đăng : 07:13, 23/09/2022
Thận trọng, linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ
Tại phiên họp Chính phủ ngày 22-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Về định hướng chính sách, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên. Tích cực hơn nữa, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất 2%; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong ngày 22-9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng tăng, có hiệu lực từ hôm nay, 23-9. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 6,0%/năm.
Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm (tăng 0,3%/năm). Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm (tăng 1%/năm); riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm (tăng 1%/năm).
Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày quyết định mới có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định mới.
Trước đó, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành hỗ trợ nền kinh tế nên lần tăng này vẫn chưa trở lại mức trước khi giảm trước ngày 17-3-2020, khi đó, lãi suất tái cấp vốn là 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu là 4%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 7%/năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất.
Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định", mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.
Những biến động của tỷ giá
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect Đinh Quang Hinh, quyết định của Ngân hàng Nhà nước khá quyết liệt và kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường tài chính quốc tế. Mức tăng lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh nhằm theo kịp với quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất.
Cũng theo VNDirect, FED đã đưa ra quan điểm có phần “diều hâu” hơn về việc thắt chắt chính sách tiền tệ, theo đó, các quan chức FED dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022 (tương đồng với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra) và 4,5-4,75% vào cuối năm 2023 (cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường trước khi cuộc họp diễn ra). Ngay sau khi FED đưa ra quan điểm, đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh và phá đỉnh 20 năm trên thị trường quốc tế.
Những biến động của đồng USD trên thị trường thế giới cũng đã tác động mạnh tới tỷ giá trong nước và có thể tiếp tục khiến mặt bằng lãi suất tăng cao. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 23.688 đồng, mức cao nhất lịch sử. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.316 đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022. Tỷ giá hối đoái sẽ vẫn chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Các chuyên gia của VNDirect cũng dự báo, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 và sang năm 2023. Cụ thể, tính tới ngày 14-9, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng mạnh lần lượt là 44 điểm và 51 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước tăng chậm hơn đáng kể.
Đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội cũng đưa ra dự báo về lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022 do chịu tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại. Thêm một lý do khác là FED dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25-4,5% vào cuối năm 2022; USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam…
Năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi có thể sẽ duy trì do Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Dự báo, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.