Cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư: Tiếp tục “bức tử” môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 23/07/2014

(HNM) - Từ năm 2002 UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt

Ghi nhận tại Công ty Dệt Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) cho thấy, hệ thống xử lý nước thải bốc mùi khó chịu, thậm chí các bọt màu trắng còn bay sang nhà dân xung quanh. Theo phản ánh của người dân, công ty thường xuyên xả ra nguồn nước vào ban đêm, mỗi khi gió thổi thì mùi nồng nặc không thể ngủ được. Theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trong quá trình sản xuất, Công ty Dệt Phong Phú có sử dụng 1 lò hơi công suất 2 tấn hơi/giờ, hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 4.000m3/ngày. Hiện công ty đã che chắn, sử dụng vi sinh khử mùi nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

TP Hồ Chí Minh vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất trong khu dân cư.



Còn tại đường Hồ Ngọc Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân), một xí nghiệp may có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên "hành dân" vào ban đêm. Theo cư dân Blook A5 (chung cư Ehome 3), cơ sở này vận hành máy móc suốt đêm ngày gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân. Được biết, cư dân tại đây đã ký vào đơn tập thể kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nhưng hiện vẫn chưa có hồi âm. Trước đó, xí nghiệp này cũng xả khói ra môi trường cả năm trời, khiến cư dân chung cư Ehome 3 đứng ngồi không yên.

Đáng nói hơn, nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra "nhờn thuốc". Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - xuất khẩu quốc tế Mỹ Việt (quận Thủ Đức, chuyên giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú) và Công ty cổ phần Giấy Xuân Đức (quận 9, chuyên sản xuất bao bì, giấy học sinh, giấy in văn phòng), đã bị cơ quan chức năng phạt lên đến cả hàng trăm triệu đồng và yêu cầu khắc phục triệt để nhưng đến nay vẫn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TNMT TP Hồ Chí Minh cho biết, một số đơn vị chưa di dời là do chưa tìm được khu vực quy hoạch phù hợp theo ngành nghề. Cũng bởi thiếu quỹ đất nên đã phát sinh nhiều khu vực ô nhiễm tự phát, đặc biệt là ở các quận, huyện ngoại thành như quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, huyện Củ Chi… Hiện thành phố có 41 cơ sở gây ô nhiễm môi trường và 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; có đến hơn 60% nguồn thải chưa đạt tiêu chuẩn quy định và chưa được kiểm soát chặt chẽ từ các cơ sở trên.

Trước bất cập trên, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, Sở TNMT cần tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư. Bên cạnh đó, cần giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh này. Cũng theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, để giải quyết tình trạng ô nhiễm một cách triệt để, cần phải quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận các cơ sở sản xuất và phải bảo đảm an toàn về môi trường, xa khu dân cư... Mặt khác, cần phải xác định cụ thể, chính xác những đối tượng phải di dời, vừa bảo đảm lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Hà Phạm