Tháng 7 - tháng tri ân

Trái tim nhân ái - Ngày đăng : 07:23, 22/07/2014

(HNM) - Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới vừa có những đợt hoạt động dài ngày (từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7) động viên, thăm hỏi những chiến sĩ Cảnh sát biển làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ thân nhân chiến sĩ trong vụ máy bay Mi - 171 rơi;



Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới tặng quà gia đình các chiến sĩ bị thương trong vụ rơi máy bay Mi-171 Ảnh: Thái Hiền


Đầu tháng 6-2014, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Biên tập, Công đoàn Báo Hànộimới phát động đợt quyên góp ủng hộ những chiến sĩ Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ đấu tranh, tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 do nước này hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam về nước. Chỉ trong một ngày, đã thu được 30 triệu đồng, số tiền trên đã được Ban CTXH phối hợp cùng nhóm phóng viên đang thực hiện loạt bài phóng sự về biển đảo của báo lên danh sách để hỗ trợ, đó là: Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Thượng úy Hoàng Xuân Hinh, Kiểm ngư viên Phan Thanh Vỹ, Trung úy Đặng Đình Hùng, chiến sĩ Đinh Văn Tiệp, Nguyễn Đức Thuận... Kế hoạch được lên kỹ lưỡng để trong thời gian ngắn nhất, gia đình các chiến sĩ nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Trái tim nhân ái.

Trước đó, từ huyện đảo Lý Sơn, các phóng viên đã điện về cho biết những thiệt hại của ngư dân khi tàu cá của họ bị phía Trung Quốc cướp hết ngư cụ cùng toàn bộ số cá đánh bắt được. Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán phê duyệt hỗ trợ 2 gia đình ngư dân bị thiệt hại nặng nề nhất 40 triệu đồng. Nhóm phóng viên của Hànộimới đang tác nghiệp tại Lý Sơn đã lên đường tới từng gia đình ngư dân để động viên, thăm hỏi và trao hỗ trợ. Đồng hành cùng chương trình hướng về Biển Đông với Báo Hànộimới còn có Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội. 100 triệu đồng trích trong số tiền thu được từ lễ phát động chuyển qua Quỹ Trái tim nhân ái của Báo Hànộimới để trao cho những gia đình Cảnh sát biển còn gặp khó khăn. Hỗ trợ chúng tôi trong các hoạt động tại Lý Sơn phải kể tới nữ nhà báo Lê Thanh Nhị (Báo Quảng Ngãi) - một phóng viên bám hiện trường, bám cơ sở để được đồng nghiệp và tất thảy ngư dân trên đảo gọi bằng biệt danh thân thương "chúa đảo"!!!

Tháng 7 còn ghi dấu một sự kiện đầy đau thương - chiếc máy bay Mi - 171 bị rơi tại Thạch Thất trong khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện. 19 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương nặng. Cũng như mọi lần, chỉ sau một cuộc trao đổi chớp nhoáng, chúng tôi lại lên đường tới chia sẻ với các chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia; chia sẻ với thân nhân liệt sĩ đã trở về với đất mẹ khi đang làm nhiệm vụ.

Tuần cuối cùng của tháng, chúng tôi tiếp tục thăm hỏi, tặng quà cho 10 gia đình có công với cách mạng tại các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Ba Vì và Cầu Giấy. Đây đều là những gia đình còn nhiều khó khăn chồng chất như bà Nguyễn Thị Văn, mẹ liệt sĩ ở Thạch Đà, Mê Linh. Bản thân bà Văn bị liệt, còn một con bị tàn tật nặng; là ông Phan Cảnh Nhơn, nguyên phóng viên Báo Hànộimới, cựu chiến sĩ ở chiến trường B, bị nhiễm chất độc da cam nặng...

Hoạt động cuối cùng của tháng 7 là lễ khởi công xây 2 nhà tình nghĩa, mỗi nhà trị giá 50.000.000 đồng tặng bệnh binh Lê Văn Nhỡi và bà Phan Thị Phúc, vợ liệt sĩ ở tỉnh Thanh Hóa. Tổng số tiền cho đợt hoạt động nhân ngày 27-7 do Tổng Công ty Bia, Rượu, nước giải khát Sài Gòn tài trợ.

Khép lại đợt hoạt động 45 ngày, các phóng viên Ban Công tác xã hội làm việc với cường độ cao, khẩn trương, đầy trách nhiệm, có sự hợp tác nhịp nhàng của phóng viên các ban Phóng sự, Điện tử, Thư ký tòa soạn, Tài chính. Đối với chúng tôi, năm nào cũng vậy tháng 7 là tháng tri ân của những người làm báo Đảng Thủ đô với các gia đình có công với cách mạng.

Thuận Thi