Chủ đầu tư không thể thoái thác trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 22/07/2014

(HNM) - Liên quan đến tình trạng liên tục xảy ra sự cố vỡ đường cấp nước Sông Đà - Hà Nội, ngày 21-7, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ Xây dựng ủng hộ quan điểm: Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí


Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà. Ảnh: Nguyễn Huy



Trước đó, chủ trì cuộc họp về khắc phục sự cố đường ống dẫn nước Sông Đà, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thống nhất đề nghị của Bộ Xây dựng đồng ý để Tổng Công ty CP Vinaconex khẩn trương đầu tư tuyến ống truyền dẫn số 2. Việc đầu tư tuyến số 2 phải rút kinh nghiệm tuyến số 1 trong khảo sát thiết kế, lựa chọn công nghệ, thi công, giám sát, quản lý vận hành… Các sở, ngành liên quan xác định đây là việc cấp bách của thành phố và có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Tổng Công ty CP Vinaconex đầu tư xây dựng và hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.

Đã làm rõ trách nhiệm…

Thông tin mới nhất về việc xây dựng tuyến ống dẫn nước sạch Sông Đà - Hà Nội số 2 nhằm "chữa cháy" tình trạng tuyến đường ống nước sông Đà hiện tại liên tục bị vỡ, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 5185/UBND-KH-ĐT, gửi các Sở Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Tổng Công ty CP Vinaconex, theo đó thống nhất với đề xuất Tổng Công ty CP Vinaconex triển khai dự án nâng công suất Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn II theo quy hoạch được phê duyệt và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, tập trung triển khai ngay tuyến truyền dẫn số 2 - đoạn từ quốc lộ 21C về Vành đai 3 Hà Nội - theo tiến độ cam kết - khởi công trước tháng 9-2014, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm cấp nước cho nhân dân Thủ đô trong mùa hè 2015. Thành phố chấp thuận quy mô đường kính tuyến ống phù hợp với tổng công suất cả hai giai đoạn của Nhà máy nước Sông Đà là 600.000m3/ngày-đêm (hiện, giai đoạn I có công suất 300.000m3) và đáp ứng tăng lượng nước sạch cho nhân dân Thủ đô. Tổng Công ty CP Vinaconex chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục quản lý đầu tư, huy động đủ nguồn vốn và bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Mặc dù tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức trước đó, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Vinaconex Vũ Quý Hà đã xin lỗi người dân Thủ đô, đồng thời khẳng định đã lựa chọn vật liệu đường ống bằng thép bảo đảm sự ổn định cho tuyến ống số 2… song dư luận vẫn lo ngại. Bởi lẽ, chính chủ đầu tư này đang phải chịu trách nhiệm sau 9 lần vỡ đường ống nước Sông Đà tuyến số 1. Kết luận của Bộ Xây dựng nêu rõ, nguyên nhân liên tiếp xảy ra sự cố là vật liệu đường ống (composite sợi thủy tinh) không bảo đảm đồng đều. Lần đầu được áp dụng làm đường ống cấp nước tại Việt Nam, đơn vị thiết kế thiếu kinh nghiệm trong lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng, không đưa đầy đủ yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt. Nhà sản xuất thiếu chặt chẽ trong lựa chọn công nghệ, kiểm soát quá trình gia công. Còn nhà thầu thi công "ẩu" để lẫn đá tảng, bê tông trong lớp cát đệm, làm mất sự ổn định của tuyến ống… Thực tế khi vận hành, do không bảo đảm ổn định nên Vinaconex đã phải giảm áp lực để tránh vỡ ống. Tuy nhiên, khi giảm áp lực, nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt khu vực cuối nguồn thiếu nước nghiêm trọng trong những ngày nắng nóng.

Vấn đề là cơ quan nào xử lý?

9 lần vỡ ống Sông Đà đã lộ ra thực tế là hoàn toàn thiếu quy chế kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với dự án đầu tư theo kiểu xã hội hóa như dự án nước Sông Đà. Nhà đầu tư tự quyết định từ thiết kế, thi công đến giám sát… Đến khi xảy ra sự cố, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có trách nhiệm… tìm ra nguyên nhân.

Hàng chục nghìn hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà. Ảnh: Mai Uyên



Lý giải vấn đề này, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, việc liên tiếp vỡ đường ống nước Sông Đà là sự cố chất lượng công trình xây dựng, xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân. Vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, cũng như đề ra các biện pháp nhằm xử lý, khắc phục sự cố.

Câu hỏi đặt ra lúc này là cơ quan nào chịu trách nhiệm đôn đốc, xử lý sự việc sau khi Bộ Xây dựng đã kết luận chỉ rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan tại Tổng Công ty CP Vinaconex? Ông Đỗ Đức Duy nói: Vinaconex là đơn vị cổ phần, hoạt động theo điều lệ do đại hội cổ đông thông qua. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính. Trong khi Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản, không được giao làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, không trực tiếp quản lý cán bộ lãnh đạo của Vinaconex, vì vậy việc xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân tại Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng mà thuộc thẩm quyền của đại hội cổ đông, Tổng Công ty SCIC…

Liên quan ý kiến về việc thanh tra toàn diện dự án này, ông Đỗ Đức Duy nói: "Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm".

Cũng theo ông Duy, Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.

Khánh Khoa