Bài bản ở từng khâu thực hiện
Đời sống - Ngày đăng : 05:56, 22/07/2014
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Điện Biên. Ảnh: Bảo Kha |
Một trong những đề án đang được triển khai là "Thí điểm thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc cung cấp dịch vụ công tại một số doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố". Đề án được áp dụng thí điểm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH) và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch số 2 Hà Nội. Sau nhiều lần Tổ công tác đi kiểm tra, khảo sát, đến nay, hai đơn vị đã xác định xong danh mục dịch vụ công về cung cấp nước sạch, hoàn thiện quy trình tiếp nhận, giải quyết dịch vụ theo cơ chế "một cửa"... Đáng chú ý, theo kế hoạch là tháng 7 này mới tổ chức thí điểm cung ứng dịch vụ công theo cơ chế "một cửa", song từ tháng 6, Tổ công tác đã tổ chức lớp tập huấn về cung cấp dịch vụ công, cải cách dịch vụ công và kỹ năng giao tiếp với khách hàng trong việc cung cấp dịch vụ công cho hơn 120 lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên thuộc hai đơn vị trên. Qua đó, đội ngũ quản lý và các viên chức, nhân viên tham gia vào quá trình tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình để làm tốt công việc chuyên môn ngay từ đầu.
Tương tự, trong khi chờ UBND thành phố phê duyệt đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực y tế", Sở Y tế đã triển khai các nội dung nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công. Điển hình là năm 2013, Sở đã tuyển dụng 2.651/3.272 chỉ tiêu viên chức trong toàn ngành mà không để xảy ra sai sót, không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các trường thực hiện tốt việc đào tạo theo địa chỉ, chương trình. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh được Sở quan tâm, thực hiện thông qua lắp đặt hệ thống lấy số tự động ở tất cả bệnh viện; rà soát và xây dựng quy trình khám bệnh theo quy trình một chiều; áp dụng phần mềm quản lý bệnh viện; lắp camera tại các khu vực nhạy cảm... Việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các công việc tại bộ phận "một cửa" đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, rút ngắn thời gian xếp hàng chờ đợi của người dân. Việc nâng cao thái độ phục vụ người bệnh cũng được Sở Y tế quan tâm bằng việc mở các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, tăng cường giáo dục y đức với mục tiêu "lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ". Đồng thời, Sở đã phát 1.000 phiếu khảo sát người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính thực hiện tại bộ phận "một cửa" để kịp thời điều chỉnh những bất cập trong giải quyết TTHC.
Ngoài hai đề án này, trước đó, một loạt đề án đã được triển khai, áp dụng trong thực tế, bước đầu cho thấy những hiệu quả tích cực như: "Thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012-2015", "Xây dựng cơ cấu công chức gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh ở các cơ quan chuyên môn và tương đương trực thuộc UBND thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã"; "Bố trí camera giám sát hoạt động giao dịch tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC. Đầu tư máy móc, trang thiết bị CNTT đồng bộ cho UBND cấp xã nhằm thực hiện tốt công tác CCHC"... Từ các đề án đã và đang triển khai theo kế hoạch có thể thấy, điều không thể thiếu là tinh thần làm việc trách nhiệm, bài bản của các tổ công tác chỉ đạo thực hiện đề án. Mỗi thành viên của Tổ công tác căn cứ tình hình thực tiễn chỉ ra nhược điểm, đặc biệt là chắt lọc những ưu điểm áp dụng một cách phù hợp vào "sản phẩm" của mình. Điều quan trọng nữa là việc nâng cao thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đều được chú trọng trong các giai đoạn triển khai đề án. Đó chính là những yếu tố giúp hạn chế xuống mức thấp nhất các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đưa đề án vào thực hiện trong thực tiễn.
Sắp tới, theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU tiếp tục chỉ đạo hoàn thành một số đề án. Hy vọng rằng, kinh nghiệm triển khai một số đề án trong thời gian qua sẽ được áp dụng để các đề án còn lại được triển khai bài bản, đúng tiến độ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC của toàn thành phố.