Chờ "cây gậy" pháp lý

Kinh tế - Ngày đăng : 06:22, 21/07/2014

(HNM) - Mô hình hợp tác giữa hai khu vực nhà nước và tư nhân (PPP) trong đầu tư các dự án phát triển KT-XH đã xuất hiện từ khá lâu ở một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản nhưng mới phát triển trong 5 năm gần đây ở Việt Nam.


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều năm qua Nhật Bản là đối tác thương mại cũng là nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Ông Watanabe, Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đặt niềm tin vào tương lai kinh tế Việt Nam, từ đó tìm cơ hội triển khai dự án đầu tư vào Việt Nam, trong đó có hình thức PPP được xem là mô hình hợp tác hấp dẫn và phù hợp với định hướng của nhiều DN Nhật Bản. Ngân hàng này sẵn sàng tài trợ vốn cho những dự án khả thi.

Dự án xây dựng cầu Nhật Tân được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ảnh: Huy Hùng



Trong một diễn biến khác, mấy năm qua, một số tập đoàn kinh tế Nhật Bản đã nghiên cứu và tiến hành đàm phán với cơ quan chức năng Việt Nam để tiến tới đầu tư vào một số dự án nhiệt điện lớn. Cụ thể, Tập đoàn Marubeni đang thương thảo để ký hợp đồng xây dựng dự án nhiệt điện chạy than Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) có công suất 1.200MW; Tập đoàn Misubishi đang đàm phán nhằm đầu tư dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) công suất 1.200MW và Tập đoàn Sumitomo đàm phán dự án Vân Phong 1 (Khánh Hòa), công suất 1.320MW. Quy mô vốn của mỗi dự án là trên 1 tỷ USD và nếu không có gì thay đổi thì các dự án nói trên sẽ vận hành từ năm 2018 đến năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều dự án xây dựng mới hoặc mở rộng đường bộ, đường sắt ở Việt Nam cũng sẵn sàng rộng mở và khuyến khích dòng vốn từ Nhật Bản.

Ông Watanabe cũng xác nhận, JBIC có nhiều kinh nghiệm tài trợ cho dự án theo hình thức PPP tại một số quốc gia và có thể chia sẻ với cơ quan chức năng Việt Nam nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định, thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện lần cuối nội dung dự thảo nghị định về PPP, sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng 8-2014. Việc ra đời của nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý, "dọn đường" cho sự tham gia mạnh mẽ và rộng rãi hơn từ phía DN nước ngoài, tập trung vào hàng loạt dự án đang chờ vốn thuộc nhiều lĩnh vực, đặc biệt hệ thống kết cấu hạ tầng và sản xuất điện. Thực tế cũng cho thấy, cơ hội còn rất lớn đối với nhà đầu tư tiềm năng và giàu kinh nghiệm bởi giai đoạn từ nay đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần 16-17 tỷ USD cho đầu tư phát triển hạ tầng nhưng trong khi ngân sách TƯ chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%.

Đại diện một số cơ quan chức năng cũng nhận định, nghị định khi ban hành về PPP sẽ tạo điều kiện cần thiết và đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; trong đó nhấn mạnh nhu cầu hút vốn nước ngoài. Dự báo, sau khi ban hành nghị định, nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nhất là đầu tư nước ngoài sẽ tăng rõ rệt, tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông và năng lượng… Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về PPP và các cơ quan chuyên trách cũng đang được kiện toàn ở cấp bộ, địa phương. Những diễn biến trên đang nhận được sự ủng hộ, quan tâm của giới DN Nhật Bản, với mong muốn được triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh trong môi trường thông thoáng, với những quy định phù hợp, ổn định, bảo đảm tính dễ dự báo và nhất quán từ tầm vĩ mô đến địa phương…

Hồng Sơn