Trên nói một đằng, dưới bảo một nẻo!
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 21/07/2014
Không có cơ sở chia bổ sung ruộng
Năm 1992, Hồng Dương là xã được chọn làm điểm về việc giao ruộng đất lâu dài cho người dân nên đã thực hiện giao ruộng xong cho người dân trước khi Nghị định 64/CP của Chính phủ ra đời. Ngày 3-8-1992, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 250 QĐ/UB (QĐ 250) hướng dẫn việc giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài cho người dân. Theo đó, quỹ đất công ích (quỹ đất II) của toàn xã được để lại không quá 10% đất nông nghiệp (NN). Tuy nhiên, đến ngày 27-9-1993, Chính phủ ban hành Nghị định 64-CP, chỉ cho phép mỗi xã để lại không quá 5% đất NN. Do đó, ngày 5-9-1994, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định 366 QĐ/UB (QĐ 366) để sửa đổi, bổ sung một số điểm của QĐ 250 theo hướng quỹ đất công ích của mỗi xã chỉ được để lại không quá 5%. Với những xã để vượt 5% đất công ích giải quyết bằng cách "Chia bổ sung cho số nhân khẩu tăng thêm hợp lý đến ngày 15-10-1993; dành đất quy hoạch cho các công trình phục vụ sản xuất và phúc lợi công cộng...". Song trên thực tế, xã Hồng Dương không chia ruộng bổ sung nên một số người dân đề nghị UBND xã phải chia thêm ruộng để tránh thiệt thòi cho họ.
Giải thích đề nghị này, ông Bùi Văn Sáng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Thanh Oai cho biết: Theo tình hình cụ thể của địa phương, hầu hết các xã đều không lập đề án điều chỉnh và chia ruộng bổ sung cho số nhân khẩu tăng thêm hợp lý đến ngày 15-10-1993. Theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì đất công ích dùng để xây dựng các công trình công cộng của địa phương, để bồi thường cho người có đất được thu hồi... Mặt khác, theo hướng dẫn của các cấp thì dồn điền, đổi thửa không có nghĩa là chia lại ruộng. Mặt khác, hiện nay đất NN công ích của xã Hồng Dương chỉ còn 26,342ha, bằng 3,73% so với diện tích đất NN toàn xã nên đề nghị chia bổ sung đất NN cho các nhân khẩu tăng thêm lấy vào quỹ đất công ích là không có cơ sở để giải quyết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Gia Sướng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Dương có ý kiến: Do là xã làm điểm chia ruộng lâu dài cho người dân nên khi có QĐ 366 thì đất ruộng ở xã đã được chia ổn định, vì vậy trên địa bàn xã không có nhân khẩu nào phát sinh từ ngày 30-10-1992 đến 15-10-1993 được chia ruộng bổ sung. Từ đó đến nay, hầu hết người dân không có ý kiến thắc mắc về việc chia ruộng, bà con vẫn canh tác ổn định, nên việc chia ruộng bổ sung không có căn cứ thực hiện.
Băn khoăn từ những số liệu "vênh"
Tháng 4-2014, một số hộ dân ở thôn Ba Dư gửi đơn đến UBND xã Hồng Dương và Ban Tiếp dân huyện Thanh Oai, đề nghị chia ruộng bổ sung cho nhân khẩu tăng thêm giai đoạn 1992-1993 theo QĐ 366. Trước sự việc này, ngày 5-5-2014, Phòng TN&MT huyện đã ban hành Thông báo số 04/TB-TNMT, trả lời đơn của công dân trong xã. Theo đó, thời điểm chốt nhân khẩu để chia ruộng ở Hồng Dương là ngày 1-9-1992 và diện tích ruộng quỹ I được chia cho mỗi khẩu ở các thôn là: Tảo Dương 664,4m2/khẩu, Ngọc Đình 596,63m2/khẩu, Hoàng Trung 696,72m2/khẩu, Mạch Kỳ 696,17m2/khẩu, Ngô Đồng 646,64m2/khẩu, Ba Dư 650,5m2/khẩu và Phương Nhị 650,45m2/khẩu. Ngay sau khi thông báo này được phát hành, một số người dân xã Hồng Dương khiếu nại vì trên thực tế, diện tích ruộng của các hộ được chia ít hơn so với diện tích nêu trong thông báo.
Ngày 30-6-2014, UBND xã Hồng Dương ban hành Thông báo số 21/TB-UBND, trả lời đơn thư các hộ dân. Tại văn bản này, thời điểm chốt nhân khẩu làm cơ sở chia ruộng lâu dài cho xã viên không phải là ngày 1-9-1992 như Thông báo 04 của Phòng TN&MT, mà lại là ngày 30-10-1992? Bên cạnh đó, diện tích ruộng đất quỹ I giao cho các hộ gia đình, xã viên tại các thôn cũng khác so với số liệu trong Thông báo 04 của Phòng TN&MT.
Cụ thể: thôn Tảo Dương, Ngô Đồng, Ba Dư, Phương Nhị được giao 601,2m2/khẩu; thôn Hoàng Trung và Mạch Kỳ được giao 648m2/khẩu; thôn Ngọc Đình được giao 550,8m2/khẩu. So sánh 2 bản thông báo nêu trên thì theo số liệu của Phòng TN&MT, mỗi khẩu được giao ruộng đều tăng từ 45m2 đến 63m2? Do đó, một số hộ dân cho rằng xã Hồng Dương đã giấu ruộng, cắt xén bớt ruộng quỹ I của các hộ dân cho vào quỹ đất II? Mặt khác, Phòng TN&MT đưa ra số liệu nói trên nhằm tăng tổng diện tích quỹ đất I và giảm diện tích đất quỹ II với mục đích cho quỹ đất công ích còn ít để không phải chia bổ sung thêm cho các nhân khẩu theo QĐ 366? Về việc này, ông Nguyễn Gia Sướng khẳng định: Từ năm 1992 đến nay, xã Hồng Dương đã 3 lần thực hiện và vẫn căn cứ vào thời điểm chốt nhân khẩu là ngày 30-10-1992 và diện tích ruộng được giao cho các hộ vẫn ổn định từ thời điểm đó. Do vậy, xã Hồng Dương khẳng định không có chuyện bớt xén ruộng quỹ I của các hộ dân.
Về những số liệu được đưa ra trong Thông báo 04, đại diện Phòng TN&MT huyện cho biết, đây là những con số được lấy từ kết quả tổng hợp cấp sổ đỏ đất nông nghiệp năm 1999 và là số liệu thẩm tra, công khai ruộng đất khi lập đề án DĐĐT năm 2012 của xã Hồng Dương; căn cứ vào Nghị quyết 04 ngày 8-8-1992 của Huyện ủy Thanh Oai thì ngày 1-9-1992 được lấy làm thời điểm chốt nhân khẩu chia ruộng ở xã Hồng Dương. Song, trong Thông báo số 21, UBND xã Hồng Dương khẳng định: Tháng 10-1992, Đảng ủy xã Hồng Dương ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo UBND xã Hồng Dương xây dựng phương án giao ruộng và Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã thống nhất lấy ngày 30-10-1992 là thời điểm chốt nhân khẩu để chia ruộng lâu dài cho người dân.
Sự bất nhất nêu trên đã gây hoài nghi trong dư luận và khiến cho tình hình trật tự trị an tại địa phương thêm phức tạp. Điều này rất cần sớm có lời giải đáp thỏa đáng của chính quyền xã Hồng Dương và các cơ quan chức năng huyện Thanh Oai.