Quan trọng là hiệu quả đến đâu

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 20/07/2014

(HNM) - Tính đến hết tháng 5-2014, các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến chiếm tới 25% tổng số chuyến bay. Trong đó, dẫn đầu là VietJet Air với số chuyến chậm, hủy chiếm tới 51% tổng số chuyến; tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%.



Như vậy, con số 25% tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy là khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013 (16%). Nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục Hàng không Việt Nam thì có đến 90% là do lỗi chủ quan, trong đó 50% liên quan đến việc dồn chuyến vì lý do thương mại và cơ sở vật chất không đáp ứng vào giờ cao điểm.

Không phải ngẫu nhiên mà một đại diện của VietJet Air khi nói về tình trạng chậm, hủy chuyến đã cho rằng, hãng này không có mặt bằng, kho phụ tùng, phòng chờ, 80% dịch vụ phải thuê ngoài nên giải quyết chậm chuyến là nhiệm vụ của rất nhiều bên: Quản lý nhà nước, các sân bay, các công ty mặt đất, công ty xăng dầu, tổng công ty quản lý bay... Một mình VietJet Air không thể làm được gì khi tất cả dịch vụ đều do các doanh nghiệp độc quyền cung cấp, tổng công ty cảng đầu tư. Vậy là đã rõ! Phần lớn chuyến bay bị chậm, hủy chuyến hoàn toàn nằm trong khả năng xử lý của con người và để giữ được chữ tín với khách hàng - ở góc độ nào đó còn là "thương hiệu" quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế - đòi hỏi ngành hàng không cần phải có sự thay đổi đáng kể. Đó là vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng bến bãi; phát triển nguồn nhân lực; kỹ năng quản lý, điều hành từ mặt đất đến bầu trời và các dịch vụ đi kèm phải được phối hợp nhịp nhàng, khoa học...

Thời gian qua, không thể phủ nhận ngành hàng không nước nhà đã có sự phát triển vượt bậc để phục vụ thị trường nội địa với 90 triệu người dân và số lượt khách quốc tế tăng khoảng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, chính sự phát triển nóng đó đã dẫn đến những khó khăn không nhỏ. Đó là tình trạng quá tải tại hai sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; các dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển tương xứng; công tác an toàn, an ninh hàng không gần đây có nhiều sai sót lớn...

Có một thực tế mà bất cứ ai khi trở thành "thượng đế" của các hãng hàng không Việt Nam đều có thể thấy rõ là vào các giờ cao điểm nhà ga các sân bay rơi vào tình trạng thiếu xe đẩy; "dồn toa" làm thủ tục các chuyến bay một cách máy móc và đến phút cuối lại phải "tháo khoán", dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy... khiến quang cảnh sân bay đôi lúc xô bồ giống như ở một bến xe khách cấp tỉnh. Đó còn là thực trạng khách bị "chặt chém" không thương tiếc khi phải mua đồ ăn, nước uống tại sân bay. Rồi nữa, khi bị chậm chuyến, hành khách chỉ thường được thông báo là do yếu tố kỹ thuật hoặc thời tiết và kèm theo câu nói muôn thuở: "Mong quý khách thông cảm". Không khó để nhận thấy, những bức xúc kể trên có thể hạn chế tối đa nếu như có sự phối hợp tốt giữa các bộ phận. Trong khi đó, khi chậm, hủy chuyến, điện thoại đường dây nóng thường chỉ treo ở khu vực làm thủ tục mà không treo ở khu vực phòng chờ nên hành khách thường không biết kênh nào để phản ánh. Mặt khác, mức bồi thường chậm, hủy chuyến được thừa nhận là rất thấp và khi gặp tình cảnh đó, hành khách thường chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt", chấp nhận sự đã rồi.

Trong buổi làm việc gần đây với Cục Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ rõ, nếu không biết tự xấu hổ khi để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến thì các hãng hàng không của Việt Nam không thể khắc phục được những yếu kém đang tồn tại. Sau chấn chỉnh của "tư lệnh ngành", nhiều lời hứa, giải pháp đã được đưa ra nhằm xốc lại tình hình. Tuy nhiên, hiệu quả của những lời hứa, giải pháp này đến đâu rõ ràng cần phải có thời gian để kiểm chứng.

Đan Nhiễm