Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn khả quan
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 19/07/2014
Các nhà đầu tư chủ yếu vẫn đến từ những đối tác quen thuộc như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, nhất là Nhật Bản… Đáng ghi nhận là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại, với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, thông qua với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014. Trong khi đó, giới ĐTNN cũng đóng góp khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đáng an tâm hơn là các dự án ĐTNN đã giải ngân được 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là thực tế được các chuyên gia đánh giá cao, bởi đó là số vốn thật sự đã được "chuyển hóa" trở thành những dây chuyền sản xuất, máy móc mới và từ đó kịp thời bổ sung năng lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh hoặc xét rộng hơn là thúc đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH cho nền kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư vẫn tỏ rõ sự tin tưởng vào tương lai và hiệu quả kinh tế khi quyết định đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là xác định định hướng kinh doanh lâu dài nhờ môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện thường xuyên cũng như Chính phủ luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi, nhất là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư… Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang thắt chặt hợp tác kinh tế với Nhật Bản, với vai trò là đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, vấn đề nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, hài hòa và bền vững. Từ đó, nhiều đoàn DN Nhật Bản chủ động đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án mới hoặc xem xét khả năng di chuyển các nhà máy tại một số nước khác sang Việt Nam theo chủ trương tái bố trí, hài hòa mức đầu tư giữa các quốc gia, khu vực địa lý trên phạm vi toàn cầu. Đơn cử, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa tổ chức đoàn DN Nhật Bản sang thị sát các khu công nghiệp quan trọng tại khu vực phía Bắc Việt Nam. Trong khi đó, các địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng đang nhận được sự quan tâm của một số tập đoàn công nghiệp Nhật Bản-như những địa bàn sáng giá để tiếp nhận các dự án đầu tư mới, hình thành chuỗi sản xuất theo ý tưởng của họ. Hiện, DN nhỏ và vừa Nhật Bản đang quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam, với khoảng 30% trong tổng số DN Nhật Bản sẽ lựa chọn Việt Nam để đầu tư khi có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, Hiệp hội DN ĐTNN (VAFIE) Việt Nam vừa xác nhận, Công ty Samsung Việt Nam đang sẵn sàng gặp gỡ khoảng 100 DN Việt Nam thuộc ngành công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới. Công ty này đã lập kế hoạch phối hợp trong kết nối đối tác, chủ động hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh kiện sản phẩm bán dẫn, điện tử, bảo đảm khả năng cung ứng nguyên, phụ liệu cho hoạt động cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu lâu dài của mình. Như vậy, nếu suôn sẻ thì nhiều đơn vị sản xuất trong nước sẽ có cơ hội trở thành "mắt xích" quan trọng và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu thay đổi về chất và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, sang tháng 7, nhịp sống khu vực ĐTNN đã chuyển hướng rất sôi động thông qua một số thông tin đầy ấn tượng, vốn đã được mong đợi từ lâu bởi ý nghĩa quan trọng và tầm vóc rất lớn. Đó là việc ký Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan và UBND tỉnh Quảng Trị để chuẩn bị triển khai dự án nhiệt điện có công suất 1.200 MW, trị giá hơn 2,2 tỷ USD tại Quảng Trị. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ góp phần thay đổi nhanh bộ mặt, vận hội phát triển công nghiệp và dịch vụ tại một tỉnh nghèo nhất khu vực miền Trung. Nhưng, đáng mừng nhất là thông tin Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đang cân nhắc để đi đến sự lựa chọn tỉnh Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi là nơi tiếp nhận dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ nhằm phục vụ vận hành nhà máy điện và xử lý khí, với tổng vốn đầu tư lên tới 20 tỷ USD. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dự án sẽ xác lập một dấu ấn ngoạn mục trong quá trình thu hút vốn ĐTNN ở Việt Nam nói chung và trực tiếp thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa ở khu vực Trung bộ nói riêng.