Cuộc "thay máu" bất ngờ
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:58, 19/07/2014
Thủ tướng Anh David Cameron. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong số những thay đổi đáng chú ý là việc bổ nhiệm thêm một số nữ bộ trưởng, như Bộ trưởng Môi trường Elizabeth Truss (Liz Truss). Động thái này được cho là nhằm xoa dịu chỉ trích về tình trạng "mất cân bằng giới tính" nghiêm trọng trong nội các. Ngoài ra, việc Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove về làm Chánh văn phòng phụ trách các nghị sĩ của đảng cầm quyền tại Hạ viện cũng là bước đi đầy toan tính của Thủ tướng D.Cameron. Theo các nhà phân tích, ông M.Gove, một đồng minh rất thân cận của Thủ tướng D.Cameron, sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đoàn kết Đảng Bảo thủ cầm quyền trước thềm tổng tuyển cử. Một thay đổi khác gây chú ý là Bộ trưởng Kinh doanh và Doanh nghiệp Michael Fallon trở thành Bộ trưởng Quốc phòng mới. Không "may mắn" như những nhân vật nói trên, ông David Jones đã bị cho thôi chức Bộ trưởng phụ trách Xứ Wales sau 2 năm tại nhiệm. Chung số phận có Bộ trưởng các trường Đại học David Willetts, Bộ trưởng Năng lượng Greg Barker, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Alan Duncan, Bộ trưởng An sinh xã hội Nick Hurd…
Tuy nhiên, thay đổi đáng chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất là việc điều chuyển Ngoại trưởng William Hague sang vị trí lãnh đạo Hạ viện. Thay thế ông W.Hague là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Philip Hammond. Sự kiện một trong những bộ trưởng kinh nghiệm nhất, lại nắm một chức vụ quan trọng của nội các ra đi đã gây không ít bất ngờ trong dư luận xứ Sương mù. William Hague có 25 năm trong nghề và đóng một vai trò quan trọng của đảng Bảo thủ trong những năm qua. Sứ mệnh của W.Hague trong ngành ngoại giao Anh thời gian qua đã được các đồng nhiệm trên thế giới tán thưởng. Trong bối cảnh khủng hoảng trên thế giới nối đuôi nhau, các hồ sơ từ Ukraine, Iraq và mấy ngày qua là Israel với cuộc tấn công dải Gaza của người Palestine đã đưa W.Hague lên mọi chiến tuyến. Do đó trong giới quan sát, phân tích đã dấy lên hoài nghi về sự ra đi của Ngoại trưởng W.Hague.
Trong khi đó, người kế vị P.Hammond, dẫu từng học tại trường công như cựu Ngoại trưởng Hague ở Essex trước khi theo học chính trị và triết học tại Đại học Oxford, có xuất phát điểm khiêm tốn hơn so với người tiền nhiệm. Song, ông P.Hammond lại được cho là một trong những thành viên giàu có nhất trong nội các nhờ thành công trong các lĩnh vực kinh doanh nhiều ngành nghề trước khi trở thành nghị sĩ khu vực Runnymede và Weybridge năm 1997. Đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 10-2011, chính trị gia 58 tuổi được đánh giá là một nhà quản lý ấn tượng khi tiến hành các đợt cắt giảm mạnh ngân sách, chuẩn bị cho sự rút quân khỏi Afghanistan và thực hiện chương trình tinh giản biên chế lớn ở Bộ Quốc phòng mà không phải đối mặt với quá nhiều phản ứng tiêu cực. Thế nhưng, điều mà các nhà lãnh đạo Cựu lục địa ái ngại nhất là người kế thừa Ngoại trưởng W.Hague lại là một nhân vật không mấy mặn mà với Liên minh Châu Âu (EU). Ông P.Hammond cũng từng nêu quan điểm thẳng thắn rằng sẽ bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU nếu "ngôi nhà chung" này không có những cải cách triệt để.
Vì thế, trước cuộc đổi ngôi vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, triển vọng của Anh trong ngôi nhà chung EU sẽ là điểm nhấn chính mà Thủ tướng D.Cameron hướng tới trong chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra trong vòng 9 tháng nữa. Hiện tại, lợi thế của liên minh cầm quyền gồm Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do (LibDem) đang tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Sau nhiều năm chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Anh đang có những dấu hiệu khởi sắc với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp giảm, tăng trưởng kinh tế được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo đạt 3,2% trong năm 2014, cao gần gấp rưỡi mức trung bình 2,2% của các nước thành viên OECD. Báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới nhất cũng đánh giá Anh là quốc gia sẽ đạt thành tích kinh tế tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Tuy vậy, Anh vẫn đang tiếp tục phải thực hiện chính sách khắc khổ, trong khi chất lượng sống của người dân nhìn chung bị giảm sút đáng kể. Sự bất bình của cử tri Anh với nội các của Thủ tướng D.Cameron không chỉ thể hiện ở kết quả cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 5 vừa qua khi liên minh cầm quyền để mất hàng trăm ghế vào tay Công đảng đối lập và đảng Độc lập Anh (UKIP). Các cuộc biểu tình, đình công thu hút sự tham gia của hàng triệu người làm công ăn lương, phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu của chính phủ diễn ra liên tục.
Ngoài những toan tính chính trị rõ ràng, cuộc "thay máu" nội các của Thủ tướng D.Cameron còn cho thấy xu hướng của một nội các trẻ hơn, nhiều phụ nữ hơn nhằm thuyết phục người Anh bỏ phiếu cho một đảng Bảo thủ "đổi mới". Vì vậy, cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng D.Cameron dù bất ngờ và có chút mạo hiểm nhưng có thể sẽ mang lại những chuyển biến đủ để cánh bảo thủ Anh giành lại thế thượng phong trên "đường đua" sắp tới.