Cựu chánh án… bị tù chung thân
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:55, 19/07/2014
Ông Akil Mochtar sau cuộc thẩm vấn của ủy ban chống tham nhũng, ở Kuningan, nam Jakarta, 30/10/2013 |
Akil Mochtar từng là nghị sĩ đảng Golkar, được bầu làm Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp năm 2008, đến tháng 4-2013, giữ chức Chánh án, rồi bị bắt giữ 6 tháng sau đó. Cựu Chánh án Akil Mochtar bị các nhân viên điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Indonesia (CEC) bắt giữ vào tháng 10-2013 vì tội hối lộ và rửa tiền sau khi có những cáo buộc ông dính líu đến các vụ gian lận kết quả tranh chấp bầu cử khu vực. Ngay sau khi lệnh bắt giữ được tiến hành, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã quyết định bãi miễn tạm thời chức vụ Chánh án của ông Akil Mochtar để phục vụ quá trình thẩm vấn.
Theo cáo trạng của Cơ quan công tố Indonesia, trong giai đoạn từ tháng 10-2010 đến 10-2013, Akil Mochtar đã nhận hối lộ và thực hiện vụ rửa tiền trị giá 161 tỷ rupiah (gần 14 triệu USD) có liên quan đến 15 vụ tranh chấp bầu cử khu vực. Cáo trạng khẳng định "hành vi của bị cáo đã hủy hoại lòng tin người dân với Tòa án Hiến pháp và cần phải chịu một mức án nghiêm khắc". Vì thế, Cơ quan Công tố Indonesia đã đề nghị mức án tù chung thân và phạt cựu Chánh án Akil Mochtar 10 tỷ rupiah (846.000 USD). Các công tố viên cũng yêu cầu tòa án thu hồi quyền bỏ phiếu của ông Akil Mochtar theo Luật chống tham nhũng của Indonesia.
Kết thúc phiên xét xử ngày 30-6 vừa qua - trong kết luận được 5 thành viên thông qua - CEC kết luận ông Akil Mochtar đã nhận tổng cộng khoảng 5 triệu USD hối lộ liên quan đến các vụ tranh cãi bầu cử địa phương cũng như dính líu tới hoạt động rửa tiền. Các bằng chứng trong phiên xét xử cho thấy, số tiền tham nhũng đã ảnh hưởng đến kết quả các vụ tranh cãi bầu cử địa phương mà ông Akil Mochtar làm chủ tọa. Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, ông Akil Mochtar đã lập tức đệ đơn kháng cáo. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán Suwidya khẳng định, tù chung thân là mức án thích hợp với Akil Mochtar bởi ông ta không chỉ nhận hối lộ, tham nhũng mà còn tham gia hoạt động rửa tiền.
Được thành lập năm 2001, một trong những nhiệm vụ chính của Tòa án Hiến pháp Indonesia là đưa ra quyết định về các tranh cãi trong bầu cử ở địa phương và cấp quốc gia. Tòa án Hiến pháp cũng chịu trách nhiệm xét xử những vụ kiện tụng liên quan đến tổng thống. Tuy nhiên, việc xét xử cựu Chánh án Akil Mochtar đã gây tranh cãi lớn tại Indonesia về tính công bằng trong các quyết định trước đây của cơ quan công quyền này trong xét xử các tranh chấp bầu cử, bao gồm cả cuộc bầu cử thống đốc mới đây ở các tỉnh Đông Java và Bali. Vì thế, sau vụ tham nhũng của Akil Mochtar, Tòa án Hiến pháp đã quyết định không xét xử các vụ kiện liên quan đến bầu cử ở địa phương nữa.
Indonesia là một trong những nước có tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới. Năm 2013, Tổ chức Minh bạch quốc tế xếp Indonesia là quốc gia có nạn tham nhũng trầm trọng thứ 114 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vụ xét xử cựu Chánh án Akil Mochtar là vụ án tham nhũng dính dáng đến các quan chức cấp cao mới nhất ở Indonesia, sau một vụ bê bối tham nhũng có liên can đến hàng loạt bộ trưởng trong chính phủ. Nhưng, hành vi tham nhũng của một nhân vật là Chánh án đã gây sốc nhất trong thời gian gần đây, vì Tòa án Hiến pháp là một trong những nơi được xem là trong sạch nhất Indonesia.