Israel bắt đầu tấn công trên bộ vào Dải Gaza: Bước tiến nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 19/07/2014
Xe tăng của quân đội Israel đang hướng về biên giới Palestine. |
Không chỉ mở hàng chục đợt không kích và nã pháo dữ dội vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Gaza, cuối ngày 17-7, Tel Aviv đã mở chiến dịch tấn công trên bộ vào dải đất này. Bộ binh Israel với sự hỗ trợ của xe tăng, pháo mặt đất và hải quân được lệnh hành động để bảo vệ người dân trong nước và đè bẹp phong trào Hồi giáo Hamas. Như vậy, chiến dịch "Bảo vệ biên thùy" được Tel Aviv phát động từ ngày 8-7 đã bước vào giai đoạn mới, đầy mạo hiểm. Các đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gồm bộ binh, quân đoàn thiết xa, kỹ sư quân sự, pháo binh cùng với sự hỗ trợ của không quân và hải quân đã tràn vào Dải Gaza. Ngoài ra, Cơ quan an ninh Israel (ISA) và các tổ chức tình báo khác cũng tham gia chiến dịch. Bên cạnh đó, 18.000 lính dự bị sẽ được huy động, bổ sung vào 30.000 binh sĩ hiện có. Đáp lại, phe Hamas tuyên bố quân đội Israel sẽ phải trả giá đắt cho cuộc tấn công trên bộ này. Kể từ khi bộ binh Israel tràn vào Dải Gaza, đến cuối ngày 18-7 (giờ Việt Nam), đã có 23 người phía Palestine và ít nhất 1 binh sĩ Israel thiệt mạng.
Cuộc xung đột mang tên Trung Đông đã tiến đến ngưỡng nguy hiểm nhất và thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Hamas dường như đã đổ vỡ hoàn toàn. Sau 10 ngày giao tranh, chiến dịch "Bảo vệ biên thùy" do Israel phát động nhằm vào Dải Gaza đã khiến hơn 250 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương. Thương vong chủ yếu xảy ra đối với dân thường, trong đó có 25 trẻ em đã thiệt mạng. Gần 1.400 căn nhà ở Gaza đã bị phá hủy do bom đạn của Israel và 18.000 người phải đi sơ tán. Trong khi đó, đã có hơn 1.200 rocket và đạn pháo được bắn sang lãnh thổ Israel.
Thực tế, một thỏa thuận ngừng bắn được thực thi sẽ mang lại sự yên ổn có lợi cho cả hai bên nhưng sự kiện này không được Hamas chấp thuận đã khiến Israel có thêm tính hợp pháp quốc tế để tiếp tục các chiến dịch quân sự. Lý giải việc Hamas "phớt lờ" đề xuất ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian chính là ảnh hưởng của phong trào này với Qassam (lực lượng chiến binh Hồi giáo). Vào thời điểm đề xuất ngừng bắn dự kiến có hiệu lực, phong trào Hamas tiếp tục nã rocket vào lãnh thổ Israel như để cho khu vực và thế giới thấy rằng họ không nao núng trước sự đáp trả của các lực lượng Israel. Hiện cánh vũ trang Hamas đang giành lại quyền kiểm soát với cả phong trào này và đưa ra mọi quyết định liên quan đến vị thế chính trị của Hamas. Do đó, ngay cả khi đạt được đề xuất ngừng bắn thì đó dường như cũng chỉ là sự tạm ngừng giao tranh chớp nhoáng để chuẩn bị cho các cuộc đối đầu đẫm máu phức tạp và nguy hiểm hơn tiếp theo với Israel. Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, trong con mắt của cộng đồng thế giới, Israel đã mạo hiểm và thực sự chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng Hamas lại lựa chọn tiếp tục đối đầu bằng quân sự. Điều này đã giúp Israel có "lý do" chính đáng để mở một chiến dịch tấn công trên bộ như đang diễn ra. Cuộc tấn công được Israel xem là cách duy nhất để có thể phá hủy các mục tiêu vốn không thể tấn công từ trên không. Đó là hệ thống các boongke và đường hầm của Hamas, vốn rất quan trọng để lắp ráp các giàn tên lửa tự tạo mà Israel muốn xóa sổ.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm được một tiếng nói chung giữa Israel và Palestine - mà Hamas là một lực lượng - về một thỏa thuận ngừng bắn đang ngày một thêm xa vời. Nếu không có sự thay đổi căn bản về quan điểm, Israel và Hamas khó có thể tìm được tiếng nói chung và tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ tiếp tục mắc kẹt giữa hai làn đạn của Israel và Hamas. Dẹp bỏ các bất đồng là không dễ dàng nhưng nếu không làm được điều này thì cả người Do Thái lẫn người Palestine sẽ tiếp tục bị đẩy tới bước đường cùng và khó có thể sống trong bình an những ngày tới.
Việt Nam hết sức lo ngại trước xung đột leo thang giữa Israel và Phong trào Hamas Ngày 18-7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột leo thang giữa Israel và Phong trào Hamas, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: "Việt Nam hết sức lo ngại trước tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng gây nhiều thương vong cho thường dân. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, nối lại các cuộc đàm phán và ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm sớm đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực". |