Hà Nội chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 20:10, 18/07/2014
Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB thành phố kiểm tra công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Mê Linh. |
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, do ảnh hưởng của vùng đối lưu, tại các huyện phía Bắc thành phố đã có mưa rất to, lượng mưa trung bình từ 70-110mm khiến mực nước trong nội đồng lên nhanh. Tuy nhiên, do chủ động tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống công trình thuỷ lợi kịp thời nên không xảy ra tình trạng úng ngập. Theo báo cáo nhanh, đến thời điểm này, trong tổng số hơn 5.000ha đất lúa, Mê Linh đã thực hiện gieo cấy lúa mùa được gần 4.500ha, diện tích chưa cấy thuộc các xã Tam Đồng, Thạch Đà, Văn Khê, Tiến Thắng. Theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, huyện đã chỉ đạo nhân dân tạm dừng chưa cấy, sau khi kết thúc cơn bão số 2 sẽ cấy tiếp. Tuy nhiên, theo dự báo, nhiều khả năng, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, lượng mưa trên địa ban huyện dự kiến vào khoảng 200m, dẫn tới một số vùng trũng sẽ bị ngập sâu. Theo ông Phan Tuy Hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thuỷ lợi Mê Linh cho biết, Công ty sẽ nỗ lực cao nhất, vận hành 32 tổ máy bơm cống suất 4.000m3/h/máy tại các trạm bơm Tam Báo, Thường Lệ I và II để rút nước trong nội đồng. Vấn đề đặt ra, tại đập Thường Lệ, tiêu thoát nước cho 4.500ha đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trong các đợt lũ xuất hiện rò rỉ, mạch đùn, mạch sủi, đáng ngại, khu vực thượng, hạ lưu bị sạt lở nham nhở và tình trạng đổ chất thải vừa mất mỹ quan đô thị, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thoát nước và xảy ra sự cố trong mưa lũ. Mặt khác, một số dự án như nâng cấp trạm bơm tưới Thanh Điềm, Thường Lệ I, Quyết Tiến, nạo vét kênh tiêu Chu Phan - Liên Mạc, cụm công trình đầu mối Thường Lệ chưa được đầu tư xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến chống úng ngập.
Do ảnh hưởng của bão số 2, trong mấy ngày qua, lượng mưa trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có mưa nhưng lượng mưa không đồng đều, trung bình khoảng 90mm, tập trung ở một số xã phía Tây thuộc vùng cao nên xảy ra úng ngập. Theo thống kế, trên địa bàn có 49 máy bơm tiêu thuộc 5 trạm bơm đã sẵn sàng tiêu úng. Các hồ chứa Đồng Đà, Kèo Cà, Ban Tiện, Đồng Quang, Đền Sóc trên địa bàn đều dưới mực nước thiết kế. Diện tích khu vực tiêu của huyện Sóc Sơn cả trọng lực và động lực khoảng 8.000ha, cơ bản đã thực hiện gieo cấy lúa mùa...
Để chủ động ứng phó với thiên tai gây nên, các thành viên đoàn công tác Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, sẵn sàng thực hiện bơm tiêu nước đệm, chủ động phòng chống theo phương án các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thuỷ lợi của thành phố đã lập. Tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra công trình thuỷ lợi, hoàn thành việc sửa chữa các công trình chống úng nội đồng, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, công trình xây dựng cơ bản, đặc biệt là công trình đầu mối, hồ đập, các trục tiêu... bảo đảm 100% công trình an toàn, vận hành hiệu quả phục vụ công tác chống úng... Một số hồ chứa đã tích đủ nước như hồ Quan Sơn (Mỹ Đức), Miễu, Đồng Sương (Chương Mỹ), Văn Sơn, Quan Sơn (Mỹ Đức), Đồng Quan (Sóc Sơn), Mèo Gù (Ba Vì) phải nghiêm túc thực hiện quy trình vận hành, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực, thường xuyên tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ khi mới phát sinh. Các huyện, thị xã, doanh nghiệp thuỷ lợi của thành phố kiểm tra thường xuyên các hồ chứa trên địa bàn và thực hiện đúng quy định về công tác an toàn hồ chứa...
Trong mưa bão, chủ động khoanh vùng khu vực có nguy cơ ngập úng cao để có các phương án xử lý nhanh, tiêu úng kịp thời. Huy động các lực lượng khơi thông các cửa cống tiêu, giải phóng dòng chảy... trước khi có mưa bão lớn xảy ra do hoàn lưu bão, bảo đảm tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Đối với diện tích cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ mùa trên đất chuyên màu, chú trọng tiêu thoát nước khi mưa lớn... Kiểm tra, thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản nằm trong vùng dự kiến ngập lụt, vùng phân lũ, chậm lũ để chủ động xây dựng các phương án phòng chống ngập úng...